CYBERSECURITY

22-10-2022 11:45
Bảo mật dữ liệu trên ô tô - Nền tảng công nghệ tất yếu của thời đại An ninh mạng và an toàn thông tin cá nhân là vấn đề quan trọng đối với các hãng xe và người dùng. Do đó, nền tảng công nghệ bảo mật dữ liệu trên ô tô được xem là nhu cầu thiết yếu của thời đại mới.

Ngày nay, công nghệ ô tô đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng với tiến trình của cuộc cách mạng 4.0. Phần mềm xe được nâng cấp, thông tin của người dùng cũng được kết nối đa chiều hơn. Điều này đồng thời tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ hồ sơ cá nhân. Do đó, nhiệm vụ bảo mật dữ liệu trên ô tô được đặt ra và trở thành yếu tố tất yếu để đảm bảo quyền lợi tối đa cho chủ sở hữu xe.

Bảo mật dữ liệu trên ô tô - xu hướng công nghệ tất yếu của thời đại
Ô tô sở hữu một kho dữ liệu khổng lồ, trong đó có hàng loạt thông tin cá nhân của người dùng. Điều này vô tình trở thành mục tiêu của một bộ phận hacker thông tin, kẻ trộm xe. Do đó, việc áp dụng các giải pháp bảo mật dữ liệu trên ô tô là điều rất cần thiết và trở thành xu hướng chung mà các hãng xe đều nhắm tới.

Hệ thống liên kết dữ liệu trên ô tô hoạt động như thế nào?
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại (AI, big data, Machine Learning…) vào ngành ô tô có thể tạo ra khối lượng dữ liệu vô cùng lớn trên xe. Các phát minh ưu việt này yêu cầu chia sẻ thông tin cá nhân để lập trình riêng trên phần mềm ô tô hoặc thông qua kết nối thiết bị di động. Nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng trải nghiệm thế giới công nghệ hiện đại trên xe như: GPS - Định vị toàn cầu, lên kế hoạch hành trình và ghi nhớ thói quen của chủ xe, tính năng giải trí, truy cập vào dịch vụ của các bên thứ 3….

Thêm vào đó, hệ thống này được thiết lập một hàng rào bảo vệ nhằm hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài, đảm bảo dữ liệu không bị rò rỉ. Cũng giống như các tiện ích trên điện thoại thông minh, bảo mật dữ liệu trên ô tô được cam kết an toàn bởi nhà sản xuất, đồng thời người dùng cũng có thể tự theo dõi, quản lý phương tiện của mình mọi nơi, mọi lúc.

Công nghệ an ninh mạng bùng nổ trong kỷ nguyên mới
Đối với ngành công nghiệp ô tô hiện đại, việc đẩy mạnh triển các loại phần mềm và giao diện kỹ thuật số đã tạo ra những mạng lưới kết nối rộng rãi và phức tạp, tồn tại những lỗ hổng dữ liệu đáng ngờ. Vì vậy, an ninh mạng chính là công nghệ tất yếu để ứng dụng cho xe ô tô.

Thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của an ninh mạng có thể được xác định từ năm 2018 khi có đến 100 triệu ECU (Electronic Control Unit - Bộ điều khiển điện tử) được áp dụng trên các dòng xe hiện đại. Việc tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trên ô tô và đẩy mạnh kết nối phương tiện với thiết bị di động sẽ dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ an ninh mạng cho xe hơi.

Dự kiến đến năm 2030, thế giới sẽ có đến 370 triệu phương tiện được tích hợp các tính năng tự động, trong đó có 13 triệu phương tiện sở hữu khả năng tự động hóa ở cấp độ cao. Nếu tình hình diễn ra thuận lợi, đến năm 2040, dự tính sẽ có khoảng 30 triệu chiếc xe điện tự hành được bán ra trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Market & Market (Công ty cung cấp giải pháp tiếp thị Hoa Kỳ), quy mô thị trường dịch vụ bảo mật dữ liệu ô tô vẫn đang được mở rộng bất chấp sự ảnh hưởng của đại dịch. Dự báo rằng, doanh thu toàn cầu của lĩnh vực này sẽ tăng từ 1,9 tỷ USD vào năm 2020 lên 4,0 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 16,5%.

Cùng với các công ty công cấp dịch vụ an ninh ô tô, Chính phủ các quốc gia và cả cơ quan an toàn quốc tế cũng đã tham gia vào mạng lưới này. Cụ thể, đạo luật về bảo mật và quyền riêng tư trong xe hơi đã được đề xuất tại Hoa Kỳ từ năm 2015 nhằm yêu cầu các hệ thống phần mềm quan trọng trên xe hơi phải được cá nhân hóa và toàn bộ xe được bảo vệ chống hack bằng cách sử dụng các biện pháp an ninh mạng.

Bên cạnh đó, đạo luật do Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) xây dựng cũng sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải chia sẻ thông tin mà phương tiện thu thập với chủ sở hữu xe và bảo mật tuyệt đối.

Vấn đề an ninh mạng và giải pháp bảo mật dữ liệu trên ô tô
Hiện nay, các cơ quan quản lý, nhà sản xuất thiết bị và các hãng xe không ngừng đưa ra những giải pháp bảo mật dữ liệu trên ô tô nhằm mang lại sự yên tâm cho người điều khiển phương tiện.

Nguy cơ mất an toàn dữ liệu trên ô tô
Trên thực tế vẫn tồn tại những điểm yếu liên quan đến dữ liệu trên ô tô. Mặc dù đã tính toán các nguy cơ, nhưng một số nền tảng vẫn chưa thực sự an toàn. Hacker có thể xâm nhập trái phép vào hệ thống điều khiển trung tâm, tấn công vào các loại ứng dụng di động đã được kết nối với ô tô nhằm thực hiện hành vi kiểm soát hoạt động của xe và đánh cắp thông tin cá nhân.

Chính vì vậy, việc phát triển thêm các giải pháp bảo mật dữ liệu để bảo vệ thông tin cho chủ xe là một vấn đề cấp thiết trong thời đại công nghệ ngày nay.

Giải pháp bảo mật dữ liệu trên ô tô được ứng dụng như thế nào?
Viện tiêu chuẩn Anh Quốc (The British Standards Institute) đã làm việc với các chuyên gia, các thương hiệu lớn trong ngành công nghiệp xe hơi và trung tâm an ninh mạng quốc gia để cùng phát triển các phương án bảo mật dữ liệu trên ô tô.

Ngoài ra, những giải pháp liên quan đến an ninh mạng ô tô cũng được đưa vào chính sách bảo hiểm. Các cơ quan quản lý cũng đưa ra một số hướng dẫn cụ thể cho người dùng để họ có thể tự bảo vệ thông tin cá nhân.

Theo báo cáo của Deloitte - Mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia được thành lập tại Anh, NHTSA đã đưa ra một số giải pháp bảo mật quan trọng, cụ thể như sau:

- Giới hạn quyền truy cập của nhà phát triển, khắc phục lỗi trong thiết bị sản xuất.

- Kiểm soát các loại chìa khóa có khả năng truy cập vào phương tiện nhằm ngăn chặn tình trạng xâm nhập trái phép.

- Kiểm soát quyền của nhà sản xuất ô tô trong việc kiểm soát thông tin liên lạc được lưu trong nội bộ xe, quyền truy cập và chỉnh sửa chương trình cơ sở, chẩn đoán và bảo dưỡng xe.

- Sử dụng các kỹ thuật phân đoạn và cô lập trong thiết kế kiến trúc của xe.

- Điều khiển quá trình giao tiếp với máy chủ back-end.

- Kiểm soát giao diện không dây.

Vào tháng 3 năm 2020, công ty an ninh mạng ô tô Argus Cyber ​​Security (Israel) và nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu NXP Semiconductor (Hà Lan) đã công bố giải pháp tích hợp cho phép các nhà sản xuất ô tô có thể bảo vệ an ninh mạng Ethernet dựa trên bộ xử lý xe NXP S32G. Giải pháp này ứng dụng hệ thống phát hiện xâm nhập (Intrusion Detection System - IDS) của Argus để theo dõi hoạt động truy cập trái phép và bảo vệ trình điều khiển. Bên cạnh đó, bộ xử lý S32G của NXP cũng là cấu trúc quan trọng cho các phương tiện trong tương lai, tạo ra cơ hội tiếp cận với các cổng dịch vụ ngoài.

Đến tháng 7 năm 2020, nhà sản xuất ô tô Continental (Đức) đã áp dụng hệ thống an ninh mạng trên thiết bị chip (SoC) Renesas R-Car M3 hiệu suất cao cho nền tảng điện toán ô tô HPC, cung cấp khả năng kiểm soát tập trung các hệ thống trên xe và chức năng cổng an toàn cho phép kết nối công nghệ đám mây.

Có thể thấy được rằng, các tập đoàn, công ty lớn toàn cầu vẫn đang nỗ lực trong việc đảm bảo an ninh mạng, hứa hẹn một tương lai công nghệ bảo mật dữ liệu được phát triển mạnh mẽ hơn.

Người dùng cần làm gì để tự bảo mật dữ liệu trên ô tô?
Sau đây là một số lưu ý dành cho người điều khiển xe nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu trên ô tô cá nhân:

- Không nên cung cấp quá nhiều dữ liệu cá nhân vào hệ thống xe hơi, không cho phép yêu cầu quyền truy cập không liên quan và chỉ sử dụng các chức năng thật sự cần thiết.

- Luôn cập nhật phần mềm trong ô tô để nâng cấp khả năng bảo mật.

- Chỉ tải xuống các công thức ứng dụng từ Google và Apple Store.

- Gỡ bỏ tất cả các dữ liệu cá nhân ra khỏi xe trước khi chuyển giao cho người khác, tránh tình trạng chuyển nhầm thông tin quan trọng cho chủ sở hữu tiếp theo.

- Kiểm tra tình trạng của điện thoại sau khi cài đặt ứng dụng. Những loại ứng dụng hoạt động trong nền gây hao pin có thể trở thành vấn đề lớn sau khi được kết nối với ô tô.

Connect with us