Theo lộ trình tại Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ, từ sau năm 2030, tại các đô thị, 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Điều đó cho thấy việc chuyển sang sử dụng xe điện cho hoạt động kinh doanh vận tải là xu thế.
Bên cạnh yếu tố không phát thải, chi phí tiêu thụ năng lượng trên mỗi kilomet của xe điện chỉ bằng 25-30% so với xe xăng, chi phí bảo dưỡng và duy trì cũng thấp hơn. Thị hiếu hiện nay cũng ưa chuộng taxi điện vì sự êm ái, không mùi xăng và tính thân thiện môi trường. Những yếu tố này được xem là động lực quan trọng, khiến ngày càng nhiều loại ô tô điện được "trưng dụng" làm xe taxi.
Theo thống kê của Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay đã có hơn 20.000 xe taxi điện, chiếm khoảng 30% tổng số taxi đang hoạt động tại Việt Nam. Nhiều hãng taxi truyền thống cũng đã lên kế hoạch điện hoá 100% phương tiện. Tuy nhiên, những nhà xe tiên phong chuyển đổi cũng ghi nhận một số thách thức, mà trước hết là bài toán tài chính.
Phát biểu tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức ngày 24-5, Giám đốc Công ty Taxi Én Vàng (Hải Phòng) Nguyễn Văn Định cho biết, hiện tại mức đầu tư ban đầu của xe điện cao hơn khoảng từ 30-50% so với xe xăng cùng phân khúc. "Với Én Vàng hiện có giá taxi điện bằng taxi xăng, thời gian thu hồi vốn của taxi điện cũng sẽ dài hơn xe xăng, mất khoảng 6 năm thay vì 5 năm" - ông Định nói.
Quan điểm này cũng được Phó Giám đốc hãng taxi MaiLove (Nghệ An) Hồ Quang Hiếu đồng thuận. “Giá xe điện hiện vẫn cao so với xe xăng cùng phân khúc và ảnh hưởng đến vấn đề thu hồi vốn. Doanh thu hiện tại của xe điện chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư” - ông Hiếu chia sẻ tại toạ đàm.
Về vấn đề chi phí đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM, chủ sở hữu hãng taxi Xanh SM, Nguyễn Văn Thanh cho biết, một số ngân hàng đã có nguồn vốn xanh nhưng các doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận. Tuy nhiên, 33 đơn vị hợp tác với Xanh SM đều hoàn vốn nhanh hơn so với xe xăng, thậm chí, đã có đơn vị sử dụng xe điện hạ giá cước xuống 10.000 đồng/km, đây là mức giá cước chưa đơn vị taxi xăng nào có được.
Thứ đến là thách thức về hạ tầng hỗ trợ. Giám đốc điều hành hãng taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh) Nguyễn Quốc Bách nhận định, việc thúc đẩy phủ rộng hạ tầng là cần thiết và phải làm nhanh, vì nhu cầu dùng sạc là rất lớn. Trong khi đó, đại diện Én Vàng cũng cho rằng, hạ tầng trạm sạc phủ rộng sẽ góp phần tạo niềm tin cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển đổi sang xe điện, và sẽ thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và thời gian thu hồi vốn.
Để ứng phó những thách thức nói trên, các doanh nghiệp vận tải cho biết, trước khi quyết định đầu tư chuyển đổi sang xe điện, họ luôn phải tính toán xem khách hàng có ủng hộ không, sau đó xác định taxi điện có phù hợp vùng địa lý và đối tượng khách hàng hướng đến không, cũng như tính toán kỹ tỉ lệ km xe có khách và tỷ lệ km "rỗng".
Các hãng cũng mong muốn nhận được những động thái hỗ trợ, như có chính sách trợ giá từ Chính phủ giống như chính sách miễn phí trước bạ cho xe điện hiện tại; có quy hoạch bắt buộc về phát triển cơ sở hạ tầng trạm sạc; khuyến khích những nơi tập trung đông người chỉ sử dụng xe năng lượng sạch để bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, theo ông Hồ Quang Hiếu, giá điện cũng là yếu tố các doanh nghiệp vận tải quan tâm, do đó cần bảo đảm giá điện ổn định ở hiện tại và trong tương lai, cũng như có chính sách ưu đãi về giá điện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe điện. “Chính sách ưu đãi lãi suất khi doanh nghiệp vay vốn để chuyển đổi sang xe điện cũng rất cần thiết” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Bình luận về vấn đề hỗ trợ các hãng taxi chuyển đổi sang xe điện, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, đây không chỉ là vấn đề của ngành Giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Với riêng ngành Giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, theo đó, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm; và tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Song song với đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt - phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn, nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện.
Nhìn chung, những ích lợi từ việc điện hoá xe taxi nói riêng và phương tiện vận tải hành khách nói chung là rõ nét, nhưng quá trình chuyển đổi đòi hỏi tính toán kỹ.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Đại học Bách Khoa Hà Nội), để khuyến khích xu hướng này, Chính phủ cần có những chính sách để tạo đòn bẩy mạnh hơn thu hút doanh nghiệp tham gia chuyển đổi phương tiện xanh và cần làm thế nào để huy động được vốn "xanh", sao cho các doanh nghiệp nhỏ muốn chuyển đổi phương tiện xanh có thể tiếp cận được nguồn vốn này.