Pin được coi là "trái tim" của xe điện. Hiểu được điều này, trong vài năm gần đây, VinFast tập trung đầu tư vào sản xuất pin xe điện.
Thế chân kiềng của VinFast
Theo đó, vào ngày 12/12/2021, Nhà máy Sản xuất Pin VinES chính thức được khởi công tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) với tổng diện tích hơn 12,6 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, khối lượng lắp đặt máy móc tại nhà máy này đạt khoảng hơn 80%. Dự kiến vào cuối tháng 3/2023, Nhà máy Sản xuất Pin VinES sẽ được đưa vào vận hành thử. Với mức độ tự động cao, đồng thời sử dụng những công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, đây sẽ là nhà máy sản xuất pin hiện đại nhất Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ cung cấp pin lithium cho các dòng ô tô điện và xe bus điện của VinFast.
Tháng 7/2022, VinFast lại tiếp tục đầu tư và hợp tác chiến lược về pin thể rắn với ProLogium, công ty công ty hàng đầu thế giới về pin thể rắn thế hệ mới. Theo đó, ProLogium lên kế hoạch cung cấp pin thể rắn cho các mẫu xe điện mới của VinFast bắt đầu từ năm 2024.
Bên cạnh dự án nhà máy Pin VinES sắp đi vào vận hành thử và kế hoạch đường dài phát triển công nghệ pin thể rắn, Công ty VinES (thành viên Tập đoàn VinGroup) và đối tác là Công ty Gotion High-Tech đang tiến hành triển khai xây dựng nhà máy sản xuất loại pin LFP (Lithium Sắt Phosphate), cùng họ với pin lithium-ion với tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng. Nhà máy được khởi công xây dựng vào ngày 18/11/2022 cũng được coi là một bước đi quan trọng trong việc thực hiện chiến lược "3 chân kiềng" của VinGroup, bao gồm mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới, hợp tác với đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới, tự nghiên cứu, phát triển sản xuất pin.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích rộng 14 ha tại KKT Vũng Áng với công suất thiết kế 5 GWh/năm, tập trung sản xuất pin sạc LFP (Lithium Sắt Phosphate), loại pin sử dụng chủ yếu cho pin xe ô tô điện và hệ thống lưu trữ điện năng (ESS). Dự kiến đến quý III/2024, nhà máy này sẽ bước vào giai đoạn sản xuất đại trà.
Pin LFP là gì?
Hiện nay, loại pin được dùng phổ biến nhất trong ngành xe điện vẫn là pin lithium-ion. Loại pin này được phân thành 2 loại chính: Thứ nhất là pin niken – NMC (Niken Mangan Coban)/NCA (Niken Coban Nhôm). Thứ hai là pin Lithium Sắt Phosphate (LiFePO4).
Như vậy, pin LFP thực chất cùng là pin lithium-ion. Tuy nhiên, loại pin này có nhiều khác biệt so với pin lithium-ion thông thường cả về tuổi thọ và độ an toàn. LFP là loại pin có dòng xả ổn định ngay cả khi dung lượng pin còn dưới 50%. Điều này giúp xe không bị giảm tốc độ mặc dù đang trong tình trạng yếu năng lượng.
LFP có gì khác với pin lithium-ion?
Qua thời gian sử dụng lithium-ion vào các mẫu xe, nhiều hãng xe nhận ra rằng loại pin này có nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng lưu trữ lớn, dung lượng lớn, trọng lượng nhẹ…, song cũng có không ít nhược điểm như không bền, không phù hợp để sử dụng được ở tất cả các vùng khí hậu, chi phí cao, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ nếu sử dụng không đúng cách, gây ảnh hưởng nhất định đến môi trường.
Trong khi đó, pin LFP lại có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây cũng lý do nhiều hãng xe trên thế giới như Ford, Tesla, Volkswagen… và đặc biệt là VinFast lại đặc biệt quan tâm và đầu tư sản xuất loại pin này.
Thứ nhất, pin LFP không phụ thuộc vào các nguyên liệu thô khan hiếm, dễ biến động về giá cả như niken, coban hay mangan.
Thứ hai, pin LFP có nhiều ưu điểm vượt trội. Chẳng hạn, nhờ khả năng giữ điện và mức hao thấp khi không sử dụng giúp loại pin này tăng tuổi thọ. Hơn nữa pin LFP có thể chống lại các tác động vật lý, dùng sạc công suất lớn. Đặc biệt, hợp chất LiFePO4 có trong pin LFP cũng giúp gây ra ít tác động đến môi trường, đồng thời có thể tái chế. Về cơ bản, so với pin lithium-ion, LFP an toàn, có tuổi thọ cao và khả năng chống chịu được nhiệt độ cao tốt hơn.
Thứ ba, pin LFP có giá thành rẻ hơn so với pin lithium-ion. Mặc dù có mật độ năng lượng không bằng so với pin lithium-ion (NMC và NCA), nhưng pin LFP lại có giá rẻ hơn nhiều vì sử dụng nguyên liệu dễ tìm và có chi phí sản xuất hợp lý.
Vì sao Ford, VinFast… đầu tư trọng tâm vào pin LFP?
Theo các chuyên gia, pin chiếm khoảng 1/3 giá thành của một chiếc ô tô điện. Chính vì vậy, các nhà sản xuất xe điện không ngừng tìm kiếm về các loại pin mới có giá rẻ hơn.
Theo trang Autoweek, mục tiêu của phần lớn các hãng xe điện trên thế giới hiện nay là phát triển pin LFP, một loại pin giá rẻ với mật độ năng lượng thấp hơn cho các mẫu xe, nhưng loại pin này vẫn có những đặc tính như độ bền cao để có thể sạc nhanh, sạc thường xuyên và khả năng chịu đựng cao hơn khi pin được sạc đầy. Điều này có nghĩa là pin LFP cho phép chủ xe có thể sạc pin xe tới 100% một cách thường xuyên hơn. Hơn nữa, loại pin này cũng làm giảm sự phụ thuộc của các nhà sản xuất vào các loại khoáng chất quan trọng và đắt đỏ như coban, niken,… đồng thời giảm chi phí và giảm thời gian chờ đợi cho người mua xe.
Vào tháng 2/2023 vừa qua, Ford tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy pin mới trị giá 3,5 tỷ USD tại bang Michigan (Mỹ) để sản xuất pin LFP, loại pin được đánh giá là bền hơn, sạc nhanh hơn và có giá cả phải chăng hơn so với dòng pin lithium-ion.
Trong thời gian qua, VinFast cũng nhanh chóng nhập cuộc với các nhà sản xuất xe điện trên thế giới về việc sản xuất pin LFP. Hiện nay, pin LFP đã được VinFast sử dụng ở trên 5 mẫu xe máy điện như Evo 200, Klara S 2022, Feliz S, Vento S và Theon S, với khả năng đi được sau mỗi lần sạc đầy có thể lên tới 200 km (tùy mẫu xe). Chưa hết, xe ô tô điện VF e34 của VinFast cũng được trang bị loại pin này.
Rõ ràng giá cả được coi là yếu tố gần như quyết định sự phát triển của các mẫu xe điện bình dân. Một chiếc xe giá rẻ hơn với độ bền, tuổi thọ cao hơn đương nhiên sẽ hấp dẫn người tiêu dùng hơn so với một chiếc xe đắt đỏ với tuổi thọ thấp.
Chính vì vậy, việc VinFast đầu tư lớn vào xây dựng nhà máy sản xuất pin LFP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của hãng xe này trong thời gian tới, đồng thời chấm dứt tình trạng đứt gãy nguồn cung vì thiếu hụt các loại vật liệu quý hiếm như coban, niken.