JOB

11-11-2022 15:04
Ôtô ngày càng nhiều việc Một chiếc ôtô lo cho người dùng mọi thứ từ ăn, ngủ tới di chuyển là hình dung của các hãng xe về tương lai của phương tiện bốn bánh.

Một chiếc ôtô lo cho người dùng mọi thứ từ ăn, ngủ tới di chuyển là hình dung của các hãng xe về tương lai của phương tiện bốn bánh.

"Mua cho anh bát phở Thìn, ship về nhà trong 30 phút nữa, bật bình nóng lạnh lên nhé"!

Đây hoàn toàn có thể là một mệnh lệnh mà tài xế nói với chiếc xe của mình, trên đường về nhà vào một tối muộn, bụng đói, trời lạnh và mưa, trong một vài năm nữa. Ôtô ngày càng làm được nhiều việc. Trước đây, ôtô chỉ như một người vận chuyển, giờ cậu phải biết bảo vệ chủ nhân, phải biết sắp xếp mọi việc, hỗ trợ mua sắm... như một quản gia.

Đây cũng là vấn đề mà ông Nick Connor, Tổng giám đốc Volvo Cars Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ với VnExpress nhân dịp sang Việt Nam tham dự triển lãm Vietnam Motor Show (26-30/10).

Cả thế giới đang nói về điện khí hóa như một lối thoát duy nhất cho bài toán khí thải từ ôtô, thứ được coi là tác nhân lớn gây nên các vấn đề môi trường như trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính, bụi mịn. Nhưng hybrid hay thuần điện, thậm chí pin nhiên liệu (hydro) không phải là thay đổi duy nhất của ôtô trong tương lai. Các xu hướng khác là công nghệ an toàn, tự lái và kết nối.

"Một cuộc sống bền vững không chỉ cần tới di chuyển, mà phải an toàn và tính kết nối cộng đồng cao", Nick Connor nói.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường McKensey, trong giai đoạn 10 năm 2010-2019, ngành ôtô đã đổ 220,6 tỷ USD vào nghiên cứu các công nghệ. Nếu không tính dịch vụ gọi xe (e-hailing) - vốn không liên quan tới bản thân chiếc xe, ngành bốn bánh đang tốn tiền nhất cho công nghệ chất bán dẫn - thứ tạo ra chip, linh kiện không thể thiếu trong thời đại của xe tự lái, của điện hóa và công nghệ an toàn.

Những công nghệ khác trong danh mục đầu tư của các hãng ôtô cũng nằm trong các xu hướng của một chiếc xe trong tương lai gần như Nick Connor đã nhận định. Gói gọn lại, khi tất cả công nghệ này trở nên trơn tru và hoạt động ổn định, một chiếc ôtô sẽ "sạch sẽ" không khí thải, đưa chủ nhân của nó đi đến nơi về đến chốn, cung cấp nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, kết nối với thế giới bên ngoài và thậm chí... làm giúp việc nhà.

Tạo ra một chiếc xe sạch về khí thải không còn là việc khó trong thời buổi hiện tại, khi công nghệ pin đang ngày càng tối ưu về quãng đường chạy, thời gian làm mát. Tất nhiên bên cạnh đó, cần phải xử lý vấn đề lớn nhất là hệ thống hạ tầng trạm sạc và thời gian sạc. Nhưng ngay cả khi các vấn đề này có lối thoát, thì bản thân chiếc xe phải sạch trong quá trình sản xuất mới có thể giải quyết trọn vẹn bài toán xe xanh.

"Một chiếc xe "ăn chay" mới được coi là sạch sẽ cho môi trường", Nicks nói. Để làm được điều này, Volvo sử dụng các vật liệu tái chế, như chai nhựa, lưới đánh cá dùng cho nội thất, hay không dùng da động vật để bọc ghế. Hãng xe Thụy Điển dự đoán vào 2025, hơn 25% nhựa trên xe của hãng này sẽ có nguồn gốc sinh học hoặc tái chế. Hãng cũng dùng những loại thép với quy trình sản xuất tốn ít năng lượng hơn, pin ngoài tái chế có thể dùng để lưu trữ điện dùng cho gia đình.

Nhiều hãng xe hiện cũng nghiêng theo xu hướng này, ví như Ford sử dụng vỏ cafe làm hốc đèn, với mục tiêu tới 2035 sẽ dùng 50% nhựa tái chế hoặc tái tạo. Audi, GM cũng đang dùng triệt để chai nhựa để làm ghế. Những giải pháp này không hoàn hảo, nhưng phần nào giảm thiểu lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất và sử dụng ôtô.

Sau điện hóa, ADAS là thứ được nhắc đến rất nhiều hiện nay. ADAS là viết tắt của Advanced Driver-Assistance System, tức hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến. Đây là một tổ hợp các công nghệ an toàn, sử dụng camera, radar và các cảm biến để báo trước cũng như hỗ trợ tài xế tránh hoặc giảm thiểu rủi ro va chạm. Cảnh báo điểm mù, cảnh báo lệch làn, hỗ trợ giữ làn, phanh khẩn cấp, cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau... là những công nghệ nổi bật của ADAS.

Mỗi hãng lại có một tên gọi khác nhau cho loại công nghệ này. Volvo, với DNA là xe an toàn, tiên phong với công nghệ phanh tự động từ năm 2006. Cùng với các công nghệ khác, hiện hãng này gọi gói ADAS của mình là City Safety. Trong khi đó, Mercedes gọi là Driver Pilot, Honda có Sensing, Toyota có Safe Sense...

Nhưng những công nghệ nhìn thấy trên màn hình là chưa đủ để giúp một chiếc xe trở nên thực sự an toàn. Bởi khi tất cả công nghệ hỗ trợ này không đủ để bảo vệ người trên xe khi xe bị đâm rất mạnh thì an toàn cơ khí lại là mấu chốt của vấn đề. Đó là bộ khung chắc chắn bằng thép boron, hay dây đai an toàn 3 điểm cùng hệ thống túi khí từ đầu đến chân. Để chứng minh cũng như theo đuổi điều này, Volvo "liều lĩnh" đưa ra mục tiêu không ai đi xe Volvo thiệt mạng hoặc bị thương nghiêm trọng, từ 2020. Nick Connor nói rằng, tất nhiên đó là một điều rất khó khăn, nhưng đó là động lực để hãng đưa ra các giải pháp tốt nhất cho mọi tình huống.

Một khi đã sạch sẽ, ấm áp, thơm mát và an toàn, chiếc xe thể hiện tính "quản gia" của mình khi giúp chủ nhân của nó thư giãn trên xe và không phải làm việc vặt khi về nhà. Hiện nay công nghệ tự lái dừng lại ở mức 2-3, tức bán tự động, tài xế vẫn cần chủ động lái chiếc xe. Những mức cao cấp 4-5 cần có thời gian để xe có thể thích nghi với mọi điều kiện giao thông cũng như luật pháp, khi đó tài xế hoàn toàn được nghỉ ngơi trên xe, mà không cần cầm lái. Muốn làm được những điều này, công nghệ an toàn ADAS cần hoàn thiện hơn nữa.

Theo Tổng giám đốc của Volvo Cars châu Á - Thái Bình Dương, người dùng hiện nay, đặc biệt ở châu Á có nhu cầu rất cao về công nghệ giải trí, kết nối trên xe. Chúng được đáp ứng bằng những cách mà vài năm trước không ai nghĩ có thể xảy ra như hát karaoke hay chơi game trên xe. Tài xế đương nhiên không thể làm việc này trong lúc lái xe, nhưng hoàn toàn có thể trong lúc dừng xe, hoặc dành cho hành khách. Ví như tại Trung Quốc, các hãng sản xuất nội địa như XPeng, Nio và BYD đang đón đầu xu hướng, đánh bại các đối thủ nước ngoài khi cung cấp những loại microphone để hát karaoke trên xe. Hoặc, hiện trên thế giới có Tesla và Mercedes cho phép người dùng chơi game trên xe, và sắp tới sẽ là BMW.

Trong thời buổi của AI và metaverse, khách còn muốn chiếc xe của mình có thể tích hợp các chức năng mua sắm hay điều khiển các thiết bị smarthome tại nhà. Những nhu cầu này đang được giải quyết bằng việc tích hợp lên xe các trợ lý ảo, và các nhu cầu của người dùng sẽ được giải quyết bằng cách bắt đầu với Hey - tên hãng.

"Bạn có thể ngồi trong xe, và nói Hey Volvo, mua pizza nhé, tôi sẽ về nhà trong 45 phút nữa", ông Conor nói.

Connect with us