Thị trường xe điện rộng mở
Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI) dự đoán, doanh số bán xe điện tại Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 25,8% trong giai đoạn từ 2023-2032. Đáng chú ý, BMI ước tính tỷ lệ thâm nhập của ô tô điện (tỷ lệ bán ô tô điện trên tổng doanh số bán thị trường ô tô điện) sẽ tăng lên 13,6% vào 2030.
Ngoài ra, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng đưa ra dự đoán tổng sở hữu xe ô tô điện sẽ đạt 1 triệu người vào năm 2028 và 3,5 triệu người ở thời điểm năm 2040.
Đánh giá về thị trường xe điện Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông Patrick Morgan - Phó Chủ tịch tập đoàn phụ trách mảng ô tô và năng lượng Analog Devices (ADI) cho rằng, thị trường Việt Nam đang phát triển với hai lý do chính. Một là, “khẩu vị” của người tiêu dùng; hai là, nhu cầu sử dụng xe điện đang phát triển nhanh, do đó tiềm năng phát triển là rất lớn.
Ông Patrick Morgan tiết lộ, mới đây ADI đã ký Biên bản ghi nhớ với VinFast, đây là một minh chứng về việc thị trường xe điện Việt Nam đang phát triển, mặc dù mới chỉ là xuất phát điểm trong quá trình thúc đẩy nhanh đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xe điện tại Việt Nam.
“Chắc chắn Việt Nam có cơ hội cho năng lượng bền vững - năng lượng sạch và đây không chỉ là xu thế lớn ở Việt Nam mà còn là trên thế giới. Việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng bền vững - năng lượng sạch có xu hướng gia tăng trong thời gian tới”, ông Patrick Morgan nhấn mạnh.
Theo ông Patrick, mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh xe điện chính là hệ thống hạ tầng lưới điện và trạm sạc. Lĩnh vực này cũng cần phải được phát triển và đầu tư đúng mức cho tương xứng với nhu cầu phát triển xe điện. ADI có giải pháp lưu trữ năng lượng cho phép điều độ hài hòa các nguồn năng lượng một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nhìn nhận về thị trường xe điện Việt Nam ông Jerry Fan, Phó Chủ tịch kinh doanh cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) kiêm Chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương ADI nhận định: “Đối với ADI, thị trường Việt Nam là một thị trường vô cùng quan trọng với tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và hợp tác với nhiều đối tác hơn. Trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội ký MOU với các đối tác khác của Việt Nam”.
“Hiện nay chúng ta đều đồng ý rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có vai trò ngày càng quan trọng và chúng dựa trên 3 trụ cột chính, thứ nhất là sức mạnh tính toán; thứ hai là các thuật toán của AI; và thứ ba là dữ liệu. Dữ liệu rất cần thiết để đào tạo AI. ADI với tư cách là công ty cung cấp những giải pháp xử lý dữ liệu tin rằng chúng tôi có vai trò ngày càng quan trọng trong thời gian tới khi mà AI tiếp tục phát triển”, ông Jerry Fan bày tỏ.
Trong lĩnh vực xe điện, các công nghệ của ADI cũng được sử dụng rất phổ biến. Trong một cabin xe thường sẽ có khoảng 20-50 linh kiện khác nhau để điều khiển các thiết bị như ghế, âm thanh hay nhiệt độ.
Chia sẻ thêm, ông Patrick Morgan cho biết, các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều sử dụng giải pháp công nghệ của ADI. Một số nhà sản xuất sử dụng giải pháp như quản lý năng lượng, quản lý công suất hoặc chuyển đổi năng lượng. ADI là công ty đầu tiên đưa ra giải pháp hệ thống quản lý pin không dây. Hiện nay có 5 nhà sản xuất ô tô lớn đang sử dụng những giải pháp quản lý pin không dây của ADI.
“Giải pháp quản lý pin không dây có tiềm năng phát triển rất lớn. Trong vòng 5 năm tới, những giải pháp quản lý pin xe điện không dây này sẽ được sử dụng bởi 30% thị trường các nhà sản xuất ô tô”, ông Patrick Morgan đánh giá.
Theo ông Patrick Morgan, hiện tại các hãng xe lớn trên thế giới đều đang sử dụng giải pháp của ADI. “Để minh chứng cụ thể bằng con số, năm ngoái chúng tôi bán ra thị trường 1 tỷ kênh giải pháp quản lý pin, định vị ADI trở thành nhà cung cấp số 1 về thị phần giải pháp quản lý pin xe điện trên thế giới”, ông Patrick Morgan nói.
Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
Bình luận về tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam ông Jerry Fan cho rằng, ngành bán dẫn đã trở thành khối cấu thành của tất cả hệ thống cần thiết khác trong ký nguyên số hiện nay. Do đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang có những chiến lược ưu tiên phát triển ngành bán dẫn, trước hết để phục vụ nhu cầu trong nước.
Theo đại diện của ADI, bản chất của ngành công nghiệp bán dẫn mang tính toàn cầu nên bên cạnh việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, Việt Nam cũng cần xác định thế mạnh của mình.
Trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, còn rất nhiều khâu, ví dụ như khâu sản xuất tấm bán dẫn ban đầu, hay dây chuyển sản xuất, lắp ráp, đo kiểm,... Như vậy, không một quốc gia nào có thể một mình che cả bầu trời bán dẫn. Về chiến lược bán dẫn, Việt Nam cần xác định vị trí của mình trên chiến lược bán dẫn toàn cầu thông qua phát huy điểm mạnh riêng của quốc gia”, ông Jerry Fan chỉ ra.
Theo ông Jerry Fan, một số quốc gia lựa chọn tập trung sản xuất chip bán dẫn. Cách tiếp cận này yêu cầu vốn rất lớn để xây dựng nhà máy và sẽ mất rất nhiều thời gian để ra được sản phẩm. Vì vậy, không phải quốc gia nào cũng làm được. Bên cạnh đó, một số quốc gia đi theo hướng thiết kế chip bán dẫn, giống như thiết kế phần mềm. Hướng đi này cần vốn thấp hơn nhưng lại cần đến nguồn năng lực nhân sự cao.
“Với Việt Nam - một đất nước có lợi thế về dân số trẻ, nhiều kỹ sư và Chính phủ Việt Nam cũng đang ưu tiên phát triển bán dẫn, tôi nghĩ Việt Nam nên tập trung vào khâu thiết kế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử lớn, như điện thoại thông minh, máy tính. Tuy trước mắt nên tập trung vào thiết kế, nhưng về lâu dài, khi Việt Nam đã có chuỗi cung ứng mạnh thì cũng có thể tham gia vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn. Với tầm nhìn dài hạn, Việt Nam có thể thành công trong cả hai lĩnh vực sản xuất chip và thiết kế chip”, ông Jerry Fan bảy tỏ.
Cũng theo ông Jerry Fan, hiện nay Việt Nam là đích đến của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới, họ đến đây để xây nhà máy, triển khai các hệ thống nghiên cứu phát triển cũng như mang lại các cơ hội cho Việt Nam để trở thành một phần trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ mang theo rất nhiều kinh nghiệm về công nghệ cho Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ cũng như thu hút đầu tư của Việt Nam để có những động thái phát triển kinh doanh tương ứng. Từ quan điểm của tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ dựa vào 2 tiêu chí đầu tư: Một là nhu cầu trong nước, với thị trường 100 triệu dân thì chúng tôi là nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm tới việc xây dựng nhà máy thiết kế hoặc nhà máy sản xuất để phục vụ thị trường trong nước; Hai là các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì hướng tới phân tích và lựa chọn các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sao cho nắm bắt và phục vụ được thị trường toàn cầu”, ông Jerry Fan chỉ ra.
Ông Jerry Fan cho biết thêm, về khía cạnh tiêu chí phục vụ nhu cầu trong nước, dân số Việt Nam với hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển, độ tuổi trung bình của đàn ông Việt Nam là 29 tuổi - đây đều là những người rất sáng tạo và có nhu cầu công nghệ cao. Từ góc nhìn của nhà đầu tư, đó là những yếu tố hấp dẫn để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, đây chính là lí do tại sao các tập đoàn đa quốc gia tập trung vào thị trường Việt Nam để trước mắt đáp ứng nhu cầu trong nước.
“Tôi tin rằng, Chính phủ Việt Nam hiểu rõ ưu điểm để tiếp tục đầu tư và nâng cao, phát triển những lĩnh vực đó. Kết hợp 2 yếu tố là phục vụ nhu cầu trong nước cũng như khai thác thế mạnh của Việt Nam để phục vụ thị trường toàn cầu sẽ là tiền đề tốt để các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư vào Việt Nam”, ông Jerry Fan đánh giá.