Bộ Công Thương vừa có văn bản số 1440/BCT-KHCN gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về việc góp ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT- BKHCN ngày 26/9/2013 quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Theo Bộ Công Thương, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền khoa học và công nghệ, ngày càng nhiều các sản phẩm mới, chất lượng tốt được đưa ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp sạc điện bao gồm việc sản xuất, lắp đặt các trạm sạc điện, dịch vụ thu phí sạc điện và các dịch vụ khác đang tăng lên nhanh chóng.
Do đó, việc xây dựng, ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, trong đó bổ sung trụ/thiết bị sạc điện (cột đo điện năng sạc xe điện) vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2 là rất cần thiết, nhằm thống nhất chung các yêu cầu quản lý nhà nước về kỹ thuật đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện, phù hợp, hài hòa với quy định, yêu cầu kỹ thuật đo lường trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, nhập khẩu và bảo vệ người tiêu dùng.
Để hoàn thiện Dự thảo Thông tư, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, làm rõ một số nội dung sau:
Báo cáo tổng kết đánh giá việc thực hiện Thông tư số 23/2013/TT- BKHCN trong 10 năm qua đối với các phép đo và đặc biệt đối với việc áp dụng chu kỳ hiệu chuẩn trong từng phép đo.
Trong Tờ trình cần nêu rõ hơn nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung lần này đối với một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ gồm: Bổ sung 01 danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo đối với “Thiết bị sạc điện cho xe điện”; cập nhật lại những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Báo cáo đánh giá cụ thể tác động về kinh tế của việc đề xuất chu kỳ kiểm - định đối với “Thiết bị sạc điện cho xe điện (Cột đo điện năng sạc xe điện)” là 24 tháng, cũng như các phương tiện đo nhóm 2 có số lượng lớn, tác động đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên nguyên tắc hài hòa giữa mục tiêu hiệu lực quản lý nhà nước với hiệu quả tổng thể về kinh tế của doanh nghiệp, người dân và phù hợp với các kinh nghiệm, thông lệ quốc tế hiện nay.
Góp ý chi tiết, Bộ Công Thương đề nghị rà soát thể thức, kỹ thuật soạn thảo văn bản để đảm bảo phù hợp quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, cần làm rõ quy định về “Thiết bị sạc cho xe điện” tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo Thông tư vì hiện nay trên thị trường có xuất hiện các loại xe máy điện, xe ô tô điện và đi kèm là các thiết bị sạc điện cho các phương tiện trên cũng khác nhau như: Trạm sạc điện, thiết bị sạc điện cầm tay, thiết bị sạc điện gắn sẵn trên phương tiện, mỗi loại phương tiện và thiết bị sạc điện đều có những đặc điểm thông số và tuổi thọ khác nhau.
Đồng thời, bổ sung trong hồ sơ xây dựng Thông tư và Tờ trình những dẫn chứng thực tế, chứng minh “Thiết bị sạc điện cho xe điện” là một “Phương tiện đo”, đồng thời các định nghĩa từ ngữ nêu tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 phải bao trùm được khái niệm “Thiết bị sạc điện cho xe điện” là một “Phương tiện đo”.
Ngoài ra, đề nghị Tổ soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bổ sung các phương tiện đo trong lĩnh vực kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện làm việc ở môi trường không nguy hiểm về khí cháy và bụi nổ tại khoản 2 Điều 1 của Dự thảo.
Đối với “Danh mục phương tiện đo, biện pháp kiểm soát về đo lường và chu kỳ kiểm định phương tiện đo”, đề nghị quy định tại Phụ lục kèm theo Dự thảo Thông tư.
Bộ Công Thương cũng đề nghị bổ sung quy định về việc lựa chọn phương án kiểm định các phương tiện đo nhóm 2 theo nguyên tắc quản lý rủi ro và phù hợp với các thông lệ quốc tế hiện hành và xu thế cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ; cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các trường hợp chuyển tiếp (nếu có) để quy định cho phù hợp.