Doanh số lập đỉnh, xe mới "ồ ạt" trình làng tại Việt Nam
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lũy kế 11 tháng năm 2022, doanh số ôtô toàn thị trường đạt trên 459.000 chiếc, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu này chưa bao gồm doanh số của một số hãng xe không công bố thông tin như Nissan, Volkswagen, Subaru, Mercedes-Benz, Audi, Volvo hay Jaguar Land Rover.
Cùng với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu thị trường, Việt Nam đang có cơ hội lớn cán mốc doanh số 500.000 ôtô/năm, cao nhất trong lịch sử và đuổi kịp Malaysia (thị trường ôtô lớn thứ 3 Đông Nam Á). Có nhiều lý do cho bước “đột phá” này.
Theo nhận định của chuyên gia ôtô Nguyễn Vĩnh Nam, thị trường ôtô Việt Nam sôi động và có mức tăng trưởng rất cao do được hưởng chính sách ưu đãi thuế trước bạ từ Chính phủ đối với xe lắp ráp trong nước.
Bên cạnh đó, xe nhập khẩu cũng có nhiều xe mới ra mắt và cũng có nhiều chính sách ưu đãi để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12.2022, thị trường bị ảnh hưởng khá nặng do lãi suất ngân hàng tăng cao, ngân hàng hạn chế cho vay cũng như hết hạn mức tín dụng khiến sức mua giảm còn khoảng 60-70% so với bình thường.
Mặc khác, do một số biến động về mặt tài chính, cũng như thị trường bất động sản khiến người dân cũng như doanh nghiệp giảm chi tiêu mua sắm và điều này tiếp tục ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của các hãng trong các tháng cuối năm nay và đầu năm 2023.
Chuyên gia này đánh giá, năm 2023 tình hình tiêu thụ xe ôtô trong nước vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, người tiêu dùng khó tiếp cận khi giá bán các mẫu xe đã được điều chỉnh tăng hàng chục, hàng trăm triệu đồng do chi phí đầu vào.
Xu thế xe điện sẽ bùng nổ trong năm 2023
Các chuyên gia ôtô nhận định, thị trường xế hộp kết thúc đầy biến động trong năm 2022 sẽ là tiền đề để chờ đón năm 2023 trở lại với tăng trưởng cao, nhất là mảng xe điện.
Tuấn Nam, một cư dân sống tại khu đô thị thuộc phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh cho biết, cách đây gần 2 năm (cuối năm 2020), khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho cư dân, hầu như ở đây không có một trạm sạc xe điện nào, kể cả dành cho xe máy điện.
Tuy nhiên, nửa năm qua, những trạm sạc ôtô điện bất ngờ mọc lên dọc tuyến đường trong khu đô thị. Ở mỗi lốt đỗ xe, chủ đầu tư đều lắp các trạm sạc dành cho cả xe ôtô và xe máy điện.
Hiện tại, nhiều khu đô thị khác ở thành phố Hà Nội cũng bắt đầu thực hiện việc lắp đặt các cổng sạc dành cho xe ôtô điện.
Theo khảo sát mới nhất của một diễn đàn uy tín về ôtô, xe máy, có tới 99,4% người tiêu dùng trên 25 tuổi đã từng nghe tới ôtô điện, trong đó 82% người quan tâm và từng tìm hiểu về phương tiện xanh này và hơn 46% người có nhu cầu mua ôtô lựa chọn mua ôtô điện. Hạ tầng trạm sạc vì vậy đang cố gắng đuổi theo mức tăng trưởng, như một phần để hiện thực hoá giấc mơ xe điện Việt Nam.
Đầu năm 2022, Vinfast chính thức công bố kế hoạch dừng hoàn toàn việc sản xuất xe xăng để chuyển sang xe điện. Cùng với quyết định này, Vinfast liên tục ra mắt các sản phẩm ôtô điện mới nhất gồm: VF 5, VF 6, VF 7, VF 8, VF 9 thuộc đầy đủ các phân khúc từ hạng A đến hạng E. Vinfast cũng chính thức xuất khẩu 999 chiếc VF 8 sang thị trường Mỹ, đánh dấu bước tiến mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Hoàng Mạnh Tân – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, đơn vị vừa cho ra mắt sản phẩm xe máy điện cho biết, hơn 20 năm trước, nền công nghiệp nước nhà phát triển thấp. Thời điểm đó, người Việt rất chuộng xe máy xăng của Nhật Bản, Châu Âu.
Thấy được cơ hội này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã vào Việt Nam cấp tập phát triển thị trường, biến Việt Nam thành thị trường vô cùng lớn về xe máy xăng (hơn 50 triệu xe máy xăng đang lưu hành hoàn toàn của các hãng xe nước ngoài sản xuất).
Theo ông Tân, hiện nay và trong tương lai, xe xăng sẽ không được ưa chuộng, nhiều quốc gia trên thế giới đã tẩy chay xe xăng.
Cũng theo ông, giai đoạn 2023-2025 sẽ là "bản lề" cho kỷ nguyên xe điện của thế giới và là thời cơ "vàng" để Việt Nam "đi tắt đón đầu", vươn lên trở thành một trong những thị trường ôtô lớn nhất của khu vực.