Có sản phẩm tại thị trường Mỹ được coi là giấc mơ của bất kỳ nhà sản xuất nào tại Châu Á, và ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Tháng 6/2022, Tập đoàn Công nghiệp Xe hơi Thiên Tân (Trung Quốc) lần đầu tiên xuất khẩu 252 xe Xiali sang Mỹ bằng đường tàu biển, tạo bước ngoặt mới của ngành ô tô nước này. Dù cuộc “lấn sân” này và nhiều cuộc sau đó không thành công như mong đợi, các hãng xe Trung Quốc vẫn không từ bỏ giấc mơ và tiếp tục cố gắng không ngừng trong suốt hai thập kỷ.
Năm 2018-2019, BYD mới chỉ được một bộ phận người dân Mỹ biết đến với các sản phẩm xe buýt điện với doanh số khiêm tốn, khoảng hơn 1.000 chiếc/năm. Hãng xe này đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe buýt điện và nhà máy pin tại Lancaster, California để được hưởng chính sách trợ giá của Chính phủ Mỹ và xây dựng thương hiệu tại thị trường “khó tính” nhất này. Chỉ trong 3 năm sau đó, vào cuối năm 2022, BYD đã chính thức “soán ngôi” Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới với doanh số 1,86 triệu chiếc.
Sau khi hoàn thành giấc mơ chinh phục thị trường Mỹ, có chỗ đứng nhất định tại thị trường Châu Âu, mục tiêu tiếp theo của BYD là những thị trường mới nổi hoặc có tiềm năng tại khu vực Đông Nam Á. Đầu tiên là nhà máy xe điện tại tỉnh Rayong (Thái Lan) trị giá 491,49 triệu USD đang được đầu tư xây dựng. Tiếp đến, BYD cũng đã có kế hoạch mở nhà máy tại Indonesia, Philippines và Việt Nam trong vài năm tới.
Khác với những “ông lớn” như Tesla, BYD, liên doanh tập đoàn SAIC-GM-Wuling (SGMW) lựa chọn “lấn sân” thị trường quốc tế với sản phẩm xe điện mini giá rẻ Wuling HongGuang Mini EV. Trong đó, Ấn Độ là một trong những thị trường hoàn hảo nhất để mẫu xe này tham gia cạnh tranh. Theo SGMW, kể từ khi ra mắt Wuling Mini EV hồi tháng 7/2020 đến nay, doanh số bán hàng toàn cầu tích lũy của mẫu xe này đã đạt 1,11 triệu chiếc, trở thành mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới. Đồng thời, Wuling cũng phát động chiến dịch quảng cáo, từ ngày 30/1 đến ngày 31/3, giá bán khởi điểm Wuling Mini EV giảm từ 4.800 USD xuống 4.400 USD (khoảng 105 triệu đồng).
Mới đây, SGMW và TMT Motors vừa ký kết hợp tác sản xuất ô tô tại Việt Nam. Theo đó, TMT Motors được độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam, trong đó có Wuling Mini EV. Như vậy, rất có thể trong thời gian tới, người dùng Việt sẽ có thêm nhiều cơ hội sở hữu xe điện với mức giá “rẻ đến không ngờ”.
Mới đây, công ty CarVivu của Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác để trở thành nhà nhập khẩu và phân phối các dòng xe du lịch Haima. Các dòng xe Haima chưa được công bố lắp ráp tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu nguyên chiếc đơn thuần. Dự kiến sẽ có 3 mẫu xe được bán chính thức gồm: 8S, 7X và 7X-E. Trong đó, 8S và 7X là các SUV và MPV của Haima trong khi 7X-E là biến thể thuần điện của 7X. Trước đó vào năm 2011, Haima cùng đã từng được nhập khẩu vào Việt Nam bởi một công ty có trụ sở tại Hải Phòng.
Trước đó, đầu năm 2022, Chủ tịch Great Wall Motor (GWM) đã thông báo dự định triển khai sản xuất và bán hàng tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, thông qua thương hiệu Haval. Tuy nhiên, chưa có nhiều thông tin về GWM tại Việt Nam nhưng các mẫu xe của hãng này liên tục thông báo đã đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam.
Không phát triển “thần tốc” như BYD hay lựa chọn thị trường ngách như SGMW, Tập đoàn Chery tập trung vào thế mạnh của mình là xuất khẩu ô tô với 10 nhà máy, hơn 1.500 đại lý và trung tâm dịch vụ ở nước ngoài. Trong suốt 20 năm kể từ 2003, Chery luôn giữ vị trí số một tại Trung Quốc về xuất khẩu ô tô. Lũy kế năm 2022, doanh số bán hàng của Chery đạt 1,23 triệu chiếc, khối lượng xuất khẩu vượt 450.000 chiếc, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và phá vỡ kỷ lục về xuất khẩu xe của các thương hiệu Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
“Đến nay, chúng tôi đã xuất khẩu tới hơn 80 thị trường trên thế giới. Mỗi thị trường đều đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chung. Hiện tại, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Chery là Trung Á, Đông Âu và Ả Rập Saudi. Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể trở thành một trong số đó vào năm 2024. Trong vài năm tới, thị trường mà chúng tôi hướng đến sẽ là Liên minh Châu Âu. Hiện tại Chery đã thâm nhập thị trường Ý và đạt được những thành tựu nhất định. Đây sẽ là đòn bẩy lớn để chúng tôi triển khai kế hoạch ra mắt tại các quốc gia khác thuộc Liên minh Châu Âu”, ông Tocy Tang - Tổng Giám Đốc Chery Việt Nam chia sẻ với VnEconomyAutomotive.
Cũng theo đại diện Chery Việt Nam, hiện tại, Chery đã ra mắt tại thị trường Indonesia và sắp tới sẽ là Malaysia và Việt Nam. Nhà máy cũng đã được hoàn thiện để đi vào hoạt động sản xuất tại Indonesia và có thể đáp ứng nguồn cung cho những thị trường lân cận. Trong lần trở lại Việt Nam này, Chery sẽ mang đến dòng sản phẩm EV OMODA 5.
“Chúng tôi sẽ phân phối một số xe nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam, bao gồm EV OMODA 5 sẽ ra mắt thị trường toàn cầu trong năm nay. Chúng tôi cũng đang cân nhắc có thể đưa mẫu xe này về Việt Nam sớm để khách hàng có cơ hội trải nghiệm. Ngoài xe nhập khẩu, chúng tôi cũng có kế hoạch lắp ráp ô tô tại Việt Nam, mọi thứ đang trong quá trình hoàn thiện. Xe lắp ráp trong nước sẽ được bán tại Việt Nam sớm nhất là cuối năm 2024”, ông Tocy Tang cho biết.
Có thể thấy, sau khi giành được vị trí nhất định tại những thị trường xa xôi, nhiều hãng xe Trung Quốc đang có “tham vọng” chiếm lĩnh thị phần tại các quốc gia mới bước vào giai đoạn ô tô hóa, trong đó có Việt Nam. Đây là những thị trường rất tiềm năng bởi nhu cầu mua ô tô rất lớn, trong khi ngành ô tô nội địa chưa phát triển mạnh. Nhập khẩu xe về bán, hay đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam để tận dụng chính sách ưu đãi từ Chính phủ, thời điểm nào sẽ thực hiện, mức giá nào thì hợp lý là những vấn đề mà các hãng xe phải giải quyết ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn mà các hãng xe phải đối mặt khi “thâm nhập” thị trường Việt đó là tháo gỡ nút thắt về hệ thống phân phối và tâm lý của người tiêu dùng. Thứ nhất, trong suốt khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay, các hãng xe đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc luôn chiếm đa số thị phần trên tất cả các phân khúc xe hơi. Theo báo cáo của VAMA, năm 2022, Toyota tiếp tục giữ vị trí quán quân với 22% thị phần, Hyundai (17%), Kia (15%), Mitsubishi (10%), Mazda (9%), Honda (7%), Ford (7%), 13% còn lại bao gồm tất cả các thương hiệu khác, trong đó chỉ có một phần nhỏ là xe thương hiệu Trung Quốc.
Thị phần lớn và ổn định đồng nghĩa với việc các hãng xe đẩy mạnh xây dựng nhà máy, mở rộng đại lý phân phối ô tô và các linh kiện, phụ tùng. Những thương hiệu mới nổi, đến sau sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các thương hiệu đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức của người tiêu dùng. Những cạnh tranh này bao gồm: chất lượng/giá cả, tính năng, “option” đi kèm, chế độ hậu mãi, bảo hành, bảo dưỡng... Đối với các nhà sản xuất, việc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, showroom tại Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh bị “sa lầy”. Đối với các đại lý phân phối tư nhân, việc nhập mẫu xe hoàn toàn mới về bán cũng đem lại nhiều rủi ro hơn các mẫu xe đang ăn khách từ những năm trước.
Thứ hai, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn luôn quan niệm, hàng hóa, sản phẩm từ Trung Quốc có hai loại: một bên là hàng Trung Quốc nội địa có chất lượng vượt trội nhưng chủ yếu phục vụ thị trường đại lục, giá cao; một bên là hàng trôi nổi bán cho các nước thứ ba, giá rẻ nhưng chất lượng thấp. Đặc biệt, với chiếc ô tô là một tài sản giá trị lớn, yêu cầu của người dùng cũng sẽ khắt khe hơn. Nếu lựa chọn một chiếc xe bền bỉ, sang trọng, đẳng cấp thì xe của Đức sẽ được nhiều người tin dùng. Nếu lựa chọn dòng xe phổ thông để phục vụ đi lại hàng ngày, kinh doanh vận tải thì những phân khúc xe hạng A, hạng B của Nhật, Hàn sẽ là lựa chọn của số đông. Một số mẫu xe Trung Quốc ra mắt tại Việt Nam thời điểm năm 2010-2012 bị đánh giá “mượn” ý tưởng ngoại thất của một số mẫu xe khác đã có mặt trên thị trường. Mặt khác, chất lượng sản phẩm có tương đương hoặc vượt trội so với các mẫu xe phổ thông hay không, nếu xe bị hỏng hóc thì sửa chữa ở đâu, có tiện lợi không?... Những điều này khiến nhiều người dùng cá nhân chưa thực sự mặn mà với xe Trung Quốc.
Ngoài ra, yếu tố giá cả cũng được đa số người dùng quan tâm khi chọn mua ô tô. Nếu xác định mua một chiếc xe giá rẻ, đồng nghĩa với việc chấp nhận phải cắt bỏ một số “option”, động cơ yếu hơn, thân vỏ mỏng hơn những chiếc xe tầm trung hay cao cấp. Tuy nhiên, mức giá cần phải hợp lý. Một chiếc xe giá rẻ tại thị trường Ấn Độ có giá quy đổi khoảng 100-150 triệu đồng, nhưng vẫn chiếc xe đó về thị trường Việt Nam lại có giá 300-350 triệu đồng thì không còn rẻ nữa.
Trước những lo lắng của người dùng, ông Tocy Tang - Tổng Giám Đốc Chery Việt Nam cho rằng: “Với các mẫu xe của chúng tôi, người thiết kế của công ty là Steve Evm, người từng làm việc cho Cadillac, Buick, Chevrolet và Hyundai. Anh ấy đã sáng tạo những chiếc xe dựa trên kinh nghiệm của mình và thực hiện một số cải tiến. Vậy nên tôi không nghĩ đó là “thiết kế vay mượn”. Bên cạnh đó là chính sách bảo hành. Chính sách bảo hành của Chery đối với xe nguyên chiếc là 5 năm hoặc 150.000 km, sẽ áp dụng tại Việt Nam nên người dùng không cần lo lắng về điều này”.
Về chất lượng sản phẩm, ông Tocy Tang cho biết, trước khi “lấn sân” vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, các hãng xe lớn như Chery đều đã vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe nhất của Mỹ, Châu Âu nên cho dù sản xuất cho thị trường nào thì chất lượng cũng luôn đảm bảo. “Các nhà cung cấp của chúng tôi là những công ty nổi tiếng thế giới, hiện cũng đang cung cấp linh kiện và phụ tùng cho một số thương hiệu xe hơi nổi tiếng. Bên cạnh đó, trong bảng xếp hạng JD power 2022 về chất lượng xe, chúng tôi xếp hạng 9 trong số tất cả các thương hiệu tham gia và hạng 2 trong số các thương hiệu Trung Quốc. Hơn nữa, Chery còn giành được ICQCC, giải thưởng vàng về Olympic chất lượng trong 6 năm liên tiếp”, ông Tocy Tang nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội, người dùng Việt cũng có xu thế quan tâm nhiều hơn tới các mẫu xe Trung Quốc mỗi khi được ra mắt tại Đông Nam Á. Trong đó, xét cùng một phân khúc, mức giá, xe Trung Quốc đang có lợi thế hơn về nội thất, tiện ích và công nghệ an toàn. Đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ sẽ đặc biệt chú ý yếu tố công nghệ, trong đó có các dòng xe điện. Điều khiến người dùng mong mỏi nhất đó là có cơ hội trải nghiệm thực tế trước khi quyết định đặt niềm tin vào bất kỳ một thương hiệu nào.
Hiện tại, Chery là công ty đầu tiên ở Trung Quốc được biết đến đã làm chủ được công nghệ cốt lõi của ngành ô tô thông qua triển khai nghiên cứu và phát triển. Đến nay, Chery đã độc lập phát triển hơn 20 loại động cơ, trong đó 9 động cơ đạt danh hiệu "Động cơ tốt nhất Trung Quốc". Mặt khác, Chery hiện đang tập trung phát triển 3 lĩnh vực bao gồm NEV, kết nối thông minh và Nền tảng & hệ sinh thái.
Mẫu xe OMODA 5 EV đầu tiên sẽ ra mắt ở Đông Âu vào cuối tháng 9/2023 và dự kiến nhập khẩu về Việt Nam vào cuối năm nay. Các mẫu xe NEV khác dưới thương hiệu OMODA bao gồm BEV và PHEV J3, J7, OMODA7, v.v. Bên cạnh đó, Chery còn sở hữu nền tảng EOX dành cho xe BEV cao cấp và 3 nền tảng NEV sẽ xuất hiện trên hàng loạt mẫu xe mới dự kiến ra mắt ngay trong năm năm 2023.