Quyết tâm mở thị trường
Tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC Motor) vừa chính thức giới thiệu mẫu MG4 EV. MG4 EV là mẫu xe thuần điện thuộc phân khúc SUV hạng B, được phân phối theo dạng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, với 2 phiên bản Del và Lux. Phiên bản Del có giá 828 triệu đồng, còn phiên bản Lux có giá 948 triệu đồng.
Vào cuối năm 2023, hãng xe Haima của Trung Quốc cũng đã giới thiệu mẫu xe thuần điện Haima 7X-E tại Việt Nam. Haima 7X-E thuộc phân khúc MPV hạng B, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc, có 2 phiên bản Comfort và Premium. Phiên bản Comfort có giá 1,111 tỉ đồng, còn Premium có giá 1,230 tỉ đồng.
Đây là 2 mẫu xe thuần điện đầu tiên, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc về phân phối tại Việt Nam từ trước đến nay.
Do hạ tầng trạm sạc chưa phát triển nên, khách hàng mua xe MG4 EV sẽ được tặng kèm một bộ sạc chậm, để tự sạc tại nhà riêng. Với sạc này, phải mất trên 20 giờ mới được sạc đầy pin. Cũng tương tự khách mua xe Haima 7X-E, cũng được tặng kèm bộ sạc để tự sạc tại nhà, với khoảng thời gian hơn 11 giờ sạc đầy pin.
Trung Quốc hiện có 123 doanh nghiệp sản xuất ô tô, trong đó doanh nghiệp ít nhất cũng có 1 mẫu xe thuần điện. Sau thời kỳ bùng nổ, công suất đang dư thừa. Với tình trạng cung vượt xa cầu trong nước, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đẩy mạnh mở rộng thị trường ra toàn cầu. Xu hướng ô tô Trung Quốc tràn ra thế giới có thể cảm nhận được ngay ở Việt Nam.
Việt Nam là thị trường ô tô tiềm năng. Với dân số 100 triệu người, kinh tế ngày càng phát triển và thời kỳ ô tô hóa đang đến. Theo dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt 1 triệu xe vào 2023 và 1,5 triệu xe sau 2035. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lộ trình đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Như vậy xe điện có tiềm năng lớn.
Qua đánh giá từ các chuyên trang uy tín về ô tô trên thế giới, một số mẫu xe điện Trung Quốc ra mắt gần đây có thiết kế hiện đại, trẻ trung, thoát ly dần “tiếng xấu” mượn ý tưởng từ các thương hiệu Mỹ, châu Âu. Bên cạnh đó, đa số các mẫu xe này đều được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay như hệ thống an toàn chủ động, điều khiển bằng giọng nói, hỗ trợ ảo... Tuy nhiên, xe điện Trung Quốc đang gặp không ít trở ngại tại Việt Nam.
Có vượt qua trở ngại?
Trước hết là vấn đề hạ tầng. Hiện nay, tại Việt Nam, trạm sạc dành cho ô tô điện chủ yếu do công ty VinFast phát triển. Trong khi đó, VinFast cho biết, sẽ không chia sẻ trạm sạc ô tô điện ít nhất trong 10 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng ô tô muốn khai thác tại thị trường xe điện tại Việt Nam phải tự đầu tư hạ tầng trạm sạc. Nếu lựa chọn sạc tại nhà, chỉ những căn nhà mặt đất mới đủ điều kiện; với chung cư, việc lắp đặt trạm sạc phụ thuộc vào quyết định của chủ đầu tư và Ban quảng trị. Nhiều người e ngại gây cháy nổ.
Tiếp đến là thương hiệu. Tại Việt Nam, người dùng có thể dễ dàng chọn lựa nhiều mẫu xe của Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, song lại khá thận trọng khi chọn mua xe của Trung Quốc sản xuất, thậm chí với ô tô điện lại càng dè dặt hơn. Không chỉ riêng Việt Nam mà tại Đông Nam Á và châu Âu, thương hiệu ô tô “Made in China” đều chưa gây được ấn tượng. Trong khi người Trung Quốc tự hào với BYD, hãng xe điện lớn hàng đầu thế giới của mình thì thương hiệu này lại chẳng có nhiều tiếng tăm ở nước ngoài. Các thương hiệu khác yếu hơn thì càng ít tiếng tăm hơn.
Tại Thái Lan, một khảo sát của Công ty TNHH Differential cho thấy, khoảng 48% khách hàng chọn ô tô thương hiệu Nhật Bản và khoảng 39% khách hàng chọn xe Mỹ, khi đổi xe mới trong tương lai. Tại châu Âu, những khảo sát gần đây cho thấy, khách hàng không có nhiều ấn tượng với thương hiệu ô tô Trung Quốc và ngại ngần rút ví, vì không tin tưởng vào chất lượng, cũng như dịch vụ hậu mãi...
Trở ngại nữa là giá xe điện của Trung Quốc không hề rẻ. Với 2 mẫu xe MG4EV và Haima 7X-E phân phối tại Việt Nam có giá bán cao ngất ngưởng, so với các mẫu xe thương hiệu xe xăng, dầu của Nhật Bản, Hàn Quốc cùng phân khúc. Do giá cao không bán được, vừa rồi mẫu xe Haima 7X-E đã phải giảm giá 130 triệu đồng để kích cầu nhưng cũng không giành được sự quan tâm của khách hàng.
Sắp tới sẽ có một số thương hiệu xe điện Trung Quốc sản xuất tại Thái Lan, Indonesia sẽ thâm nhập thị trường Việt Nam. Giá bán có thể rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. Nhưng vấn đề hạ tầng và thương hiệu vẫn là những rào cản lớn.
Những động thái của các hãng xe Trung Quốc cho thấy, có vẻ như họ không ngại "khó" và rất quyết tâm “tấn công” thị trường đầy tiềm năng Việt Nam. Tuy nhiên, ô tô điện Trung Quốc có thành công hay không, phụ thuộc vào hai câu hỏi: Các hãng xe có thể thuyết phục khách hàng vượt qua sự dè dặt, để mua ô tô thương hiệu Trung Quốc không? Và ô tô Trung Quốc có mang lại giá trị vượt trội cho người tiêu dùng, so với các đối thủ cạnh tranh không?