VIETNAM

04-02-2023 10:23
Ô tô, xe máy điện sắp phải dán nhãn năng lượng Quy định mới của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/7 tới, bắt buộc các loại ô tô, xe máy điện phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng.

Quy định mới của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/7 tới, bắt buộc các loại ô tô, xe máy điện phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Theo đó, nhà sản xuất tự đo kiểm và công bố mức tiêu thụ nhiên liệu nhưng sẽ được cơ quan quản lý hậu kiểm để đảm bảo mức độ chính xác.

Theo quy định hiện hành, dán nhãn tiêu thụ nhiên liệu của xe con chạy bằng xăng dầu đã được áp dụng từ năm 2015. Theo sự phát triển của công nghệ, từ năm 2020 thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều loại xe chạy bằng điện, hoặc lai xăng điện cắm sạc.

Mới đây, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 48/2022/TT-BGTVT về nhãn tiêu thụ năng lượng trên ô tô điện, xe máy điện và xe hybrid điện. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, tức là còn 5 tháng để các hãng xe triển khai thực hiện.

Thông tư 48 hướng dẫn cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu tự in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công thương. Đối với các xe cùng sử dụng chung một báo cáo thử nghiệm tiêu thụ năng lượng thì cơ sở sản xuất lắp ráp, nhập khẩu có thể công khai thông tin trên cùng một nhãn năng lượng.

Theo hướng dẫn, vị trí dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con thuần điện và xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài ở bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe.

Trường hợp khó quan sát khi dán bên trong xe thì được phép dán bên ngoài xe tại vị trí dễ quan sát. Đối với xe gắn máy thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe mô tô hybrid điện, nhãn được dán tại vị trí dễ quan sát.

Theo ông Vũ Hải Lưu, chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT), quy định mới được hiểu là các loại xe điện bất kỳ hay xe hybrid điện có sử dụng nguồn điện từ lưới điện bên ngoài, tức là có cổng sạc trên thân xe, có thể cắm dây nối (hay súng sạc) từ ổ điện dân dụng hay trụ sạc nối vào xe để sạc vào pin. Những loại xe trên sẽ phải dán nhãn năng lượng.

“Bởi thế, những loại xe cũng là hybrid, chẳng hạn như chiếc Hybrid Ertiga, hay có loại xe mới truyền động hoàn toàn bằng điện nhưng không cắm dây sạc (như Nissan Kicks) áp dụng dán nhãn như loại xe chạy bằng xăng dầu”, ông Vũ Hải Lưu lý giải.

Theo thống kê của Báo Giao thông, nếu tính các loại xe thuần điện (EV) và hybrid điện cắm sạc (PHEV) đang bán trên thị trường, tính đến đầu tháng 2/2023 chỉ có 4 thương hiệu ô tô sắp phải dán nhãn năng lượng là Porsche Taycan, VinFast (VFe34, VF8), Volvo (XC60 và XC90 Recharge) và Kia Sorento PHEV.

Đối với xe máy điện, khoảng hơn chục thương hiệu phải dán nhãn, gồm có những mẫu xe điện của VinFast, Pega, Dat Bike, Yamaha, Yadea và một vài nhãn xe Trung Quốc ít tên tuổi.

Đại diện một số nhà sản xuất ô tô, xe máy điện ở Việt Nam cho hay đang nghiên cứu để thực hiện quy định này.

Đại diện nhà sản xuất xe điện lớn nhất Việt Nam hiện nay là VinFast cho biết, việc dán nhãn đã thực hiện trên xe xăng trước đây, nay dán lên xe điện một chiếc tem ở vị trí tương tự không khó khăn gì, không tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Đoàn Linh, Tổng giám đốc hãng sản xuất xe máy điện Pega cho hay, đang giao cho cấp dưới nghiên cứu Thông tư 48, nhưng cũng đang băn khoăn về việc nhãn năng lượng sẽ có nội dung gì, hình thức và khuôn khổ thế nào, đồng thời việc thử nghiệm hiệu suất tiêu hao năng lượng sẽ do ai thực hiện?

Theo PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc (Bộ môn Cơ khí ô tô - Đại học Bách khoa Hà Nội), việc đo tiêu thụ điện năng của ô tô được thực hiện theo phương pháp và chu trình thử theo hướng dẫn tại phụ lục E TCVN 7792:2015 với chỉ số thể hiện ghi là W/km.

Tuy nhiên, ông Phúc băn khoăn, nếu Thông tư quy định thể hiện bằng chỉ số kW/100km thì sẽ dễ hiểu hơn cho người tiêu dùng, bởi lâu nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn đo lường mức tiêu hao năng lượng của ô tô, xe máy trên mỗi trăm km.

Lý giải việc này, ông Vũ Hải Lưu cho biết, đơn vị thể hiện mức hiệu suất tiêu thụ điện năng trên quãng đường nếu ghi đơn vị tính là kWh/100km thì thuận tiện hơn, phù hợp tập quán định lượng của người tiêu dùng. Nhưng theo quy định hiện hành (Điều 7, Diều 8 Nghị định 134/2007) về quy cách diễn đạt đơn vị đo lường chính thức của Việt Nam, đơn vị để diễn đạt phải là Wh/km (oát giờ trên kilomet - công suất tác dụng).

Ông Lưu cũng cho biết, ngay đầu tháng 1/2023 Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Bộ Công thương ban hành một mẫu tem năng lượng riêng cho ô tô xe máy điện, bởi nếu dùng chung mẫu tem hiện hành (như đang dán trên đồ điện gia dụng) sẽ không phù hợp về khuôn khổ, hình thức và nội dung. Phía Bộ Công thương chưa có văn bản trả lời, nên đến thời điểm này chưa có mẫu tem nào được xác nhận.

Về thử nghiệm hiệu suất tiêu thụ điện năng, một vị lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) giải thích, Thông tư 48 là hướng dẫn của nhà nước về việc tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp nên hướng dẫn không thể chỉ định nơi thử nghiệm.

Doanh nghiệp có thể thử nghiệm ở bất cứ cơ sở nào được Nhà nước công nhận. Thậm chí xe điện nhập khẩu có kết quả thử nghiệm ở nước ngoài, được công nhận theo tiêu chuẩn của Hệ thống công nhận phòng thử nghiệm Việt Nam (VILAS), hoàn toàn được sử dụng để công bố.

Connect with us