Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang củng cố hoạt động tại thị trường Trung Quốc trước sức ép của các đối thủ địa phương. Động thái này mang ý nghĩa quyết định, rằng vài năm tới, liệu những thương hiệu này có thể duy trì vị thế tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới hay không.
Giống như nhiều các công ty phương Tây, xe Nhật đang mất dần chỗ đứng. Giám đốc điều hành Makoto Uchida cho biết trong một cuộc họp báo rằng hoạt động kinh doanh của Nissan Motor đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Hãng dự kiến bán được 800.000 xe tại đại lục trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3, thấp hơn so với dự báo chưa đầy 3 tháng trước đó.
“Nissan sẽ tìm cách sớm giới thiệu xe điện và xe hybrid mới tại Trung Quốc. Khả năng cạnh tranh của dòng sản phẩm mới này sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn của chúng tôi”, ông Makoto Uchida nói, đồng thời cho biết 2024 sẽ là năm quan trọng. Trong khi đó, Giám đốc tài chính Honda là Masaharu Hirose lại cho rằng sự cạnh tranh trên thị trường xe điện Trung Quốc đang khiến hãng khó đạt được mục tiêu bán 1,4 triệu xe tại đại lục trong năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, Mazda chỉ bán được 50% lượng xe trao tay hồi năm ngoái, Đại diện hãng cho biết đến năm 2025, thương hiệu sẽ nỗ lực mở rộng các dòng xe điện tại Trung Quốc nhằm lấy lại vị thế thay vì tăng lợi nhuận.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, giống như nhiều các thương hiệu ô tô nước ngoài khác, đã phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc khi nước này vượt qua Mỹ và trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán xe. Ngày nay, nhu cầu đối với ô tô trong nước đã đạt đỉnh, trong khi thị trường xe điện và xe lai lại do các nhà sản xuất địa phương như BYD thống trị.
Năm nay, giới chuyên gia kỳ vọng các thương hiệu Trung Quốc sẽ lần đầu tiên vượt qua các thương hiệu nước ngoài về thị phần trên thị trường nội địa. Ngay trong sáu tháng đầu năm 2023, các thương hiệu địa phương đã chiếm 54% thị trường ô tô Trung Quốc, tăng từ mức 48% một năm trước đó.
Nissan đã bán được 359.000 xe trong nửa đầu năm nay tại Trung Quốc, giảm 1/4 so với hồi năm ngoái. Các lô hàng của Honda tại Trung Quốc giảm 22%, trong khi Toyota giảm 3%.
Trung Quốc trước đó cho biết họ muốn xe điện và hybrid chiếm 20% doanh số bán xe mới vào năm 2025. Tuy nhiên hồi năm ngoái, mục tiêu này đã hoàn thành. Các chuyên gia kỳ vọng Bắc Kinh có thể nâng cao đáng kể kỳ vọng cho năm 2025.
Takaki Nakanishi, người đứng đầu Viện nghiên cứu Nakanishi, công ty tư vấn ô tô có trụ sở tại Tokyo, cho biết ông không chắc liệu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã sẵn sàng cho những thay đổi nhanh chóng như vậy. “Hiện tại, họ thực sự đang bị tụt lại phía sau”, ông nói.
Hiện tại, sức mạnh ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Mỹ, đang giúp ích cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Toyota, Honda, Nissan và Mazda đều báo cáo lợi nhuận hoạt động cao hơn trong quý II.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các thương hiệu nước ngoài khác từ lâu đã quen với việc bán xe xăng với mức giá cao hơn so với các đối thủ địa phương. Giờ đây, tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến lợi nhuận các thương hiệu này bị thu hẹp đáng kể.
Năm tài chính này, nhà phân tích Nakanishi dự đoán Trung Quốc sẽ chiếm 6% lợi nhuận hoạt động của Toyota, so với 12% trong năm tài chính trước đó. Ở Honda, tỷ lệ tương tự giảm từ 16% xuống 5%. “Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cho đến thời điểm này vẫn nên tập trung vào doanh số bán hàng ở Trung Quốc và Mỹ. Nó có thể đang trên đà đánh mất một trong hai thứ cốt lõi đó”, ông Nakanishi nói.
Trước đây, các thương hiệu ô tô lớn tại Nhật Bản rất được lòng người tiêu dùng, đồng thời chiếm hơn 30% doanh số bán ô tô mới tại Mỹ và thống trị một loạt các thị trường từ Đông Nam Á đến Châu Phi.
Sự vắng mặt của những thương hiệu này trong phân khúc EV theo đó đặc biệt gây quan ngại, nhất là khi họ đã bắt đầu ra mắt thị trường sớm các dòng xe thân thiện với môi trường, trong đó có Toyota Prius - chiếc hybrid được bày bán cách đây một phần tư thế kỷ.
“Xe điện đang trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp nhưng cho đến nay, người Nhật lại đang bỏ lỡ điều đó”, Colin McKerracher, chuyên gia phân tích của Bloomberg NEF cho biết.
Theo SCMP, các chuyên gia đang vô cùng quan ngại, rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể đang lặp lại sai lầm trong quá khứ của ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tiêu dùng. Những công ty này từng thống trị thế giới nhờ chip bộ nhớ của NEC và Walkman của Sony, song cuối cùng cũng phải lép vế trước sự đột phá của Apple. “Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có vẻ như đã bị bỏ lại phía sau và không có khả năng vươn lên dẫn đầu”, Shingo Ide, Giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại Viện Nghiên cứu NLI của Bảo hiểm Nhân thọ Nippon, nhận định.
Thực tế này, đến chính Akio Toyoda cũng phải thừa nhận. Vị lãnh đạo này mới đây đã quyết định trao chìa khóa cho một tân Giám đốc điều hành mới Koji Sato - người mà ông cho là có thể có những ý tưởng mới mẻ.
“Khi nói đến số hóa, điện khí hóa và kết nối, cá nhân tôi cảm thấy mình thuộc thế hệ cũ,” ông Toyoda, 66 tuổi, nói. “Đối với tôi, lùi lại một bước là điều quan trọng”.