Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã nhận được mức điểm thấp nhất khi họ chuyển sang xe điện trong một báo cáo mới được công bố ngày 31/5. Các đơn vị sản xuất ô tô Nhật Bản cũng đứng dưới hai ông lớn ngành xe điện toàn cầu là Tesla và BYD, những đơn vị có tỷ suất lợi nhuận cao, theo Asia Nikkei.
Toyota Motor, Honda Motor, Nissan Motor, Mazda Motor và Suzuki Motor đều bị coi là "tụt hậu" - kém nhất trong ba hạng - trong bảng xếp hạng tổng thể của báo cáo Xếp hạng Nhà sản xuất Ô tô Toàn cầu năm 2022 (Global Automaker Rating 2022) từ Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (International Council on Clean Transportation – ICCT).
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ này có nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối năm 2015 liên quan đến các bài kiểm tra khí thải động cơ diesel giả mạo của ông lớn ngành ô tô Đức, Volkswagen.
Báo cáo mới được công bố, phân tích đầu tiên như vậy của ICCT, đã đánh giá 20 nhà sản xuất xe hạng nhẹ hàng đầu theo doanh số bán hàng toàn cầu. Điểm tổng thể của họ được chia thành 10 chỉ số bao gồm ba hạng mục: Sự thống trị thị trường, hiệu suất công nghệ và tầm nhìn chiến lược.
Kết quả cho thấy các thương hiệu Nhật Bản đã thất bại trong việc giành được thị phần đáng kể trong doanh số bán xe điện, bất chấp thành công ban đầu của Nissan Leaf. Tesla và BYD đã dẫn đầu một phần nhờ sự phát triển của thị trường xe điện Mỹ và Trung Quốc.
Toyota được đánh giá là "người chuyển tiếp", hạng trung bình, về hiệu suất công nghệ, với phạm vi lái xe trung bình lên tới 400 km đối với các phương tiện không phát thải. Tuy nhiên, Toyota vẫn đứng sau nhiều nhà sản xuất ô tô khác về thị phần bán xe điện, phạm vi kiểm thử và đầu tư. Toyota xếp thứ 15 chung cuộc.
Honda và Nissan vượt qua Toyota về tầm nhìn chiến lược chứ không phải hiệu suất công nghệ. Họ đứng ở vị trí thứ 16 và 17 chung cuộc. Suzuki xếp cuối cùng, với tổng điểm bằng 0, vì hãng cung cấp xe thể thao đa dụng hybrid cắm điện, nhưng không có mẫu xe không phát thải.
Báo cáo thừa nhận rằng thị trường xe điện nội địa của Nhật Bản đang "thiếu máu" do "không có các chính sách hiệu quả của chính phủ”. Tuy nhiên, 5 nhà sản xuất ô tô Nhật Bản "sẽ được xếp hạng cao hơn nếu họ công bố các mục tiêu và kế hoạch đầu tư mạnh mẽ hơn", báo cáo nói thêm.
Nhà sản xuất ô tô duy nhất không đến từ Nhật Bản cũng nằm trong số những người "tụt hậu" nói chung là Tata Motors của Ấn Độ, mặc dù hãng này nhận được điểm hiệu suất công nghệ tương đối cao.
Đứng ở hai vị trí dẫn đầu chung cuộc là ông lớn xe điện Tesla và đối thủ đến Trung Quốc, BYD. Tesla đạt điểm cao về khả năng chiếm lĩnh thị trường, hiệu suất công nghệ và tầm nhìn chiến lược. Dù vậy, Tesla đã mất điểm trong phạm vi kiểm thử vì các mẫu xe của họ chỉ giới hạn ở ba hạng xe du lịch hàng đầu.
BMW xếp thứ ba chung cuộc. Công ty ô tô của Đức đã làm tốt hiệu suất công nghệ, sử dụng 100% điện tái tạo tại tất cả các địa điểm sản xuất và yêu cầu các nhà cung cấp pin cũng làm như vậy. Một ông lớn khác của Đức là Volkswagen chiếm vị trí thứ 4, được cung cấp bởi ID.5 phổ biến với phạm vi lái xe lên tới 503 km. Cả hai công ty của Đức đều nằm trong số "những người chuyển đổi".
Rachel Muncrief, quyền giám đốc điều hành ICCT, cho biết: “Nếu xét đến vụ bê bối Dieselgate chỉ mới 7 năm trước, thật đáng chú ý khi thấy Volkswagen nổi lên như một “nhà lãnh đạo” nghiêm túc trong quá trình chuyển đổi sang các phương tiện 100% không phát thải”.