Không muốn bị tụt lại phía sau Tesla và các nhà sản xuất Trung Quốc, lãnh đạo các thương hiệu ô tô phương Tây đang bỏ qua các nhà cung cấp truyền thống và ký thỏa thuận cam kết trị giá hàng tỷ USD với các công ty khai thác lithium. Trong chiếc mũ bảo hộ vàng cứng, họ tới thăm các mỏ địa chất ở Chile, Argentina, Quebec và Nevada để đảm bảo nguồn cung phục vụ tham vọng điện khí hóa.
Nếu không có lithium, các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu sẽ không thể chế tạo pin cho xe bán tải điện và dòng thể thao đa dụng để duy trì tính cạnh tranh. Các dây chuyền lắp ráp tăng cường quy mô ở những khu vực như Michigan, Tennessee và Sachsen, Đức…cũng sẽ bị đình trệ.
Các công ty khai thác lâu đời không có đủ lithium để cung cấp cho ngành công nghiệp xe điện bùng nổ. Trong quý I/2023, doanh số bán ô tô chạy bằng pin, xe bán tải và xe thể thao đa dụng ở Mỹ đã tăng 45% so với một năm trước đó, theo Kelley Blue Book .
Các nhà sản xuất đang lăm le tiếp cận các khoáng mỏ nhỏ hơn trước khi bị đối thủ chen chân, song điều này vô hình chung khiến họ phải đối mặt với hoạt động kinh doanh khai thác rủi ro.
Nếu sơ sẩy, các nhà sản xuất ô tô có thể sẽ phải chi nhiều tiền hơn cho lithium. Các giám đốc điều hành cho biết họ không có sự lựa chọn nào khác vì không có đủ nguồn cung cấp đáng tin cậy về lithium và các vật liệu thô, chẳng hạn như niken và coban.
Thay vì để các bên cung ứng pin tự mua lithium và các nguyên liệu thô như trước, các nhà sản xuất ô tô sẽ trực tiếp mua kim loại thiết yếu và gửi chúng đến các nhà máy sản xuất pin. Sham Kunjur, quản lý phụ trách chương trình đảm bảo nguyên liệu pin của General Motors, cho biết: “Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng không có một chuỗi giá trị nào đủ để hỗ trợ tham vọng trong 10 năm tới của chúng tôi”.
General Motor hồi năm ngoái đã đạt thỏa thuận với Livent, một công ty lithium ở Philadelphia, để mua nguyên liệu từ các mỏ Nam Mỹ. Vào tháng 1, hãng cũng đồng ý đầu tư 650 triệu USD vào Lithium Americas, một công ty có trụ sở tại Vancouver, British Columbia, để phát triển mỏ Thacker Pass ở Nevada. Ông Kunjur và các Giám đốc điều hành Lithium Americas cho biết công ty đã đánh bại 50 nhà thầu, bao gồm cả các nhà sản xuất pin và linh kiện.
Trong khi đó, Ford Motor hợp tác với SQM, một nhà cung cấp Chile; Albemarle, có trụ sở tại Charlotte và Nemaska Lithium của Quebec.
“Đây là một số nhà sản xuất lithium lớn và chất lượng nhất thế giới”, Lisa Drake, Phó chủ tịch phụ trách công nghiệp hóa xe điện của Ford, nói.
Theo công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, việc thiết lập một chuỗi cung ứng cho lithium sẽ tốn 51 tỷ USD. Để hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Mỹ, nguyên liệu thô của pin phải được khai thác và xử lý ở Bắc Mỹ hoặc bởi các đồng minh thương mại. Cạnh tranh khốc liệt đã khiến giá lithium tăng cao đến mức không bền vững.
Theo các chuyên gia, nếu thuận lợi, hàng chục công ty cuối cùng cũng sẽ lo đủ lithium để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khi đó, giá lithium sẽ dần hạ nhiệt.
Giám đốc điều hành các thương hiệu EV nỗ lực nắm bắt cơ hội vì sợ thiếu hụt lithium. Nỗi sợ này có cơ sở bởi rất nhiều nhà sản xuất ô tô lâu đời đã chỗ đứng chỉ vì thứ kim loại màu trắng này.
Tại Trung Quốc, nơi gần 1/3 số ô tô mới là xe chạy điện, Volkswagen, GM và Ford đã mất thị phần vào tay các nhà sản xuất nội địa như BYD - thương hiệu có thể tự chủ chuỗi sản xuất pin. Tesla, công ty xây dựng được chuỗi cung ứng lithium và các nguyên liệu thô khác trong nhiều năm, thì giành lại được thị phần tại Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Đây hiện là hãng lớn thứ hai California, chỉ sau Toyota.
Các công ty Trung Quốc thường có lợi thế hơn Mỹ và châu Âu bởi được nhà nước hỗ trợ. Vào tháng 6, nhà sản xuất pin CATL đã hoàn tất thỏa thuận với Bolivia để đầu tư 1,4 tỷ USD vào hai dự án lithium.
Thông thường, các thỏa thuận sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô tiếp cận ưu đãi và lấn át đối thủ. Tesla có một thỏa thuận với Piedmont Lithium, gần Charlotte, qua đó đảm bảo được một lượng lithium nhất định từ mỏ Quebec.
Thực tế, lithium dồi dào nhưng không dễ khai thác. Ngay cả ở Canada và Mỹ, các mỏ cũng có thể mất nhiều năm để có thể tái tích lũy khoáng chất. Eric Norris, Chủ tịch bộ phận kinh doanh toàn cầu Lithium tại Albemarle, công ty khai thác lithium hàng đầu của Mỹ, cho biết: “Sẽ rất khó để có thể điện khí hóa hoàn toàn ở Mỹ”.
“Có một chút tuyệt vọng”, Amanda Hall, Giám đốc điều hành Summit Nanotech, một công ty khởi nghiệp ở Canada đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình khai thác lithium cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã đạt thỏa thuận khai thác, các công ty cũng không dễ đáp ứng kỳ vọng. Theo Shay Natarajan, một đối tác của Mobility Impact Partners - một quỹ đầu tư tư nhân, “có rất nhiều ví dụ về các vấn đề nảy sinh” và một trong số đó là sự phản đối của người dân địa phương. Đa số các chủ trang trại tại đây đều cho rằng việc khai thác mỏ khoáng sản sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước ngầm nuôi gia súc, đồng thời ảnh hưởng đến di sản, đời sống và đất đai tổ tiên họ để lại.
Câu chuyện về chủ trang trại Bartell là một ví dụ. Lần đầu tiên nghe về mỏ lithium, ông không nghĩ ngợi nhiều. Mãi sau này, những tác động tiêu cực đến môi trường mới được người đàn ông này cân nhắc.
Bartell lo sợ việc khai thác sẽ tác động đến hệ sinh thái của những động vật sống. Những chiếc xe tải chở đầy lưu huỳnh cũng sẽ đi qua một ngôi trường tiểu học nơi vợ anh, Brenda, đang dạy học. Chúng, sau khi được đốt cháy và trộn lẫn với nước, sẽ tạo ra 5.800 tấn axit sunfuric độc hại mỗi ngày. 354 triệu mét khối chất thải mỏ cũng nằm dọc con đường đất mà ông Bartell thường xuyên đi qua để kiểm tra đàn gia súc ăn cỏ trên núi.
“Đó quả là một cơn ác mộng về môi trường”, ông Bartell phàn nàn, đồng thời bày tỏ nỗi lo lắng cho kế sinh nhai của mình.