Cuối tuần qua, nhiều nước châu Âu đã thông qua quyết định cấm bán xe chạy động cơ đốt trong (xăng/dầu) tại khu vực này từ năm 2035 trở đi.
Trước đó nữa, một số thành phố trên toàn cầu và một số bang tại Mỹ cũng đã đặt mục tiêu không kinh doanh phân khúc xe này trong thập kỷ mới với mốc thời gian dao động từ ngay đầu thập kỷ (2030) tới nửa sau (thường là 2035).
Trao đổi với Hãng tin Reuters, CEO BMW Oliver Zipse bày tỏ mối quan ngại về việc nhiều khu vực muốn xe mới chỉ là xe điện trong tương lai.
"Chúng tôi không muốn xe bị cướp khỏi tay người dùng đại chúng", ông nhấn mạnh. "Nếu tự nhiên biến việc sở hữu xe trở thành chỉ của người giàu, đây là một việc làm cực kỳ nguy hiểm".
Cần nhớ rằng giá xe điện, ít nhất là trong tương lai gần, vẫn cao hơn giá xe chạy động cơ cùng phân khúc kích cỡ trung bình 10.000 USD.
Việc không còn lựa chọn giá rẻ hơn để tiếp cận có thể khiến việc mua ô tô xa tầm tay người dùng, nhất là trong bối cảnh giá xe trung bình lại đang ngày một tăng.
Thêm vào đó, việc người dùng không thể mua xe mới có thể buộc họ tiếp tục sử dụng xe cũ trong một thời gian dài - yếu tố cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo vị CEO này, các hãng xe và cả chính phủ các nước cần đưa ra nhiều lựa chọn nhất cho người dùng thay vì giới hạn, gò bó họ.
Trước vị lãnh đạo BMW, CEO Renault Luca de Meo cũng đã lên tiếng khẳng định dự đoán của giới chuyên gia về việc xe điện có giá thấp và dễ tiếp cận như xe chạy động cơ tới giờ đã sai hoàn toàn. Sự chênh lệch giữa hai phía khó lòng tiến gần nhau trong một sớm một chiều, theo nhận định của ông.
Cũng theo CEO Renault, không phải chính phủ các nước hay các hãng xe mà chính thị trường, chính người tiêu dùng sẽ quyết định một nền công nghiệp chỉ xe điện có bền vững hay không.