ASIA

21-04-2023 17:18
Châu Âu đề cao cảnh giác, xe điện Trung Quốc có thể mất lợi thế giá rẻ Giám đốc điều hành của Nio đã cảnh báo các hãng xe điện Trung Quốc rằng chính quyền các nước có thể gây ra những bất lợi cho xe điện từ nước này để bảo vệ thị trường nội địa của họ.

Bên cạnh mẫu mã thiết kế thời thượng, cực kỳ sang trọng, hiện đại và model tới từ các sản phẩm xe điện Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, có một lợi thế vô hình cực kỳ lớn tạo sự thành công vang dội của các nhà sản xuất nước này, đó chính là giá rẻ.

Với lợi thế về giá thấp trong khi lại có mẫu mã tốt, dù cho về mặt định hình thương hiệu, nhà sản xuất đó chưa hề có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng nhưng trên thực tế vẫn có thể bán hàng với doanh số đáng kể. Đặc biệt là tại châu Âu, nơi ưu chuộng sự thực dụng trong công năng sử dụng nhiều hơn thay, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng về năng lượng trong năm 2022 đã cảnh báo họ cần phải thay đổi về thói quen tiêu dùng trong mua sắm ô tô truyền thống.

Dẫu vậy, có vẻ như các chính trị gia châu Âu cũng đã bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc để bảo vệ ngành công nghiệp ô tô điện nội địa của họ trước “hiện tượng” Trung Quốc, thông qua các chính sách về đánh thuế nhập khẩu.

Theo người sáng lập, giám đốc điều hành của hãng Nio – ông William Li cảnh báo: “Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc nên chuẩn bị tinh thần cho khả năng chính phủ các nước áp dụng chính sách bảo hộ chống lại những hãng xe nhập khẩu để ngăn các hãng Trung Quốc có thể tận dụng tuyệt đối lợi thế về giá rẻ làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô sở tại.”

Xe điện Nio ET7 - sản phẩm xe điện chủ lực của Nio trên thị trường

Chia sẻ nghiêm túc này được ông Li phát biểu trong hội thảo thuộc Triển lãm ô tô Thượng Hải vừa qua.

Ông cho biết thêm rằng Tesla gần đây tiết lộ việc sản xuất ở Trung Quốc, chi phí có thể rẻ hơn tới 20% so với sản xuất ở châu Âu hay Mỹ. Điều đó đồng nghĩa rằng Nio cũng như các hãng xe điện anh em của mình, có một sự ưu thế vô cùng lớn đối với đối thủ trên thị trường xuất khẩu.

Nio, Xpeng hay BYD – những ông lớn có tên tuổi trong làng xe điện Trung Quốc đã đặt mục tiêu quan trọng là giành được nhiều thị phần hơn ở các thị trường nước ngoài, đặc biệt là tại châu Âu, khi nhu cầu nội địa đang dần suy yếu và chính phủ Bắc Kinh không còn các chính sách hỗ trợ về giá hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, thương hiệu Dacia của Renault Pháp, Tesla Mỹ và BMW từ Đức cũng nằm trong các hãng xe nước ngoài sản xuất tại Trung Quốc rồi lại xuất khẩu tiếp ra nước ngoài.

Nio cũng là một trong những hãng xe điện Trung Quốc quan tâm sâu sắc tới thị trường châu Âu. Ảnh: Nio

Dù vậy, vị CEO Nio cũng cực kỳ sòng phẳng khi nhìn nhận rằng: “Chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ xảy ra khi mà xuất nhập khẩu phát triển mạnh. Đó không phải điều tốt nhưng là điều hoàn toàn bình thường mà chúng ta phải tôn trọng, vì mọi quốc gia đều có quyền cân nhắc để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa của riêng họ.”

Đầu năm này, Giám đốc điều hành hãng Stellantis – ông Carlos Tavares cho biết châu Âu đang ở một ngã ba đường trong cuộc cạnh tranh với các hãng xe điện Trung Quốc. Và nếu những chính trị gia châu Âu không hành động một cách quyết liệt và kịp thời, sẽ có một cuộc chiến “khủng khiếp” diễn ra giữa nhà sản xuất nội địa châu Âu và các hãng Trung Quốc.

Connect with us