Đây là nghi vấn đã được nhiều Nghị sĩ Anh, Mỹ đặt ra trong bối cảnh xe điện Trung Quốc đang xuất hiện ngày càng rộng rãi trên thế giới.
Xe điện Trung Quốc lấn sân sang Anh
Vương quốc Anh đang trở thành mảnh đất màu mỡ với xe điện vì quốc gia này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ chính thức cấm bán xe mới chạy bằng xăng và diesel. Theo Dailymail, ước tính đến thời điểm đó sẽ có khoảng 25 mẫu xe điện giá rẻ của Trung Quốc có mặt tại Anh.
Từ tháng 3 năm nay, nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc BYD đã ra mắt phương tiện đầu tiên tại Anh. Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến phối hợp với đại lý ô tô Anh - Pendragon để bán các dòng xe điện tại nước này.
Các mẫu xe BYD mang đến Anh không chỉ có ưu điểm là sử dụng điện mà còn được trang bị các tính năng hiện đại, công nghệ cao như camera 360 độ, cảm biến để hỗ trợ lái xe, tránh chướng ngại vật, kết nối internet, radar.
Hơn nữa, giá xe của BYD hấp dẫn hơn nhiều mẫu ô tô cùng phân khúc của đối thủ Tesla. Chẳng hạn mẫu Atto 3 của BYD có giá khởi điểm khoảng 36.000 bảng Anh (hơn 46.000 USD). Song, theo Giám đốc điều hành Pendragon - ông Bill Berman, trong tương lai, công ty Trung Quốc sẽ bán xe điện ở Anh với mức phải chăng hơn, rẻ ngang chiếc Ford Focus, khoảng 20.000 bảng Anh (hơn 25.000 USD).
Với mức giá này, các mẫu xe của BYD sẽ chỉ bằng một nửa giá xe điện Tesla (Mỹ). Xe Tesla có giá từ 50.000 bảng Anh (hơn 64.000 USD), với các bản nâng cấp có thể tăng lên 100.000 bảng Anh (khoảng 128.000 USD).
Hãng xe BYD từng dẫn trước Tesla về doanh số ô tô điện trên thế giới vào cuối năm ngoái và đặt kỳ vọng có 100 đại lý tại Anh vào năm 2026.
Một trong những lý do giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường xe điện thế giới là vì nước này nắm giữ chuỗi cung ứng. Trung Quốc đang kiểm soát phần lớn hoạt động khai thác nguyên liệu thô quan trọng, 80% sản lượng pin dùng cho xe điện do các công ty Trung Quốc kiểm soát và nước này là nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.
Các công ty Trung Quốc bao gồm BYD, Ora và Maxus đều kỳ vọng có thể chiếm được một phần trong thị trường xe điện Anh.
Lo ngại nguy cơ an ninh
Song, theo Dailymail, nếu Vương quốc Anh vội vàng chuyển đổi sang xe điện thì sẽ dẫn đến phụ thuộc vào Trung Quốc và gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất của Anh.
Thậm chí, Dailymail dẫn lời nhiều nghị sĩ của Anh cảnh báo, sự chiếm lĩnh của Trung Quốc đối với thị trường xe điện sẽ đặt ra mối đe dọa an ninh với quy mô tương tự như thời kỳ Anh cấm thiết bị 5G của công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) vào năm 2021 vì lo ngại nguy cơ an ninh.
Thời điểm đó, sau khi Washington cáo buộc Huawei mang lại mối nguy an ninh đối với Mỹ, áp các lệnh trừng phạt với doanh nghiệp này, giới chức Anh cũng “nối gót” cấm các nhà cung cấp di động ở Anh mua thiết bị 5G mới của Huawei, đồng thời phải gỡ bỏ bộ kit 5G của công ty Trung Quốc này khỏi hệ thống vào trước năm 2027.
Lo ngại “khủng hoảng Huawei” lặp lại với ngành ô tô tại Anh đã bùng lên từ tháng 1 năm nay khi Cơ quan An ninh Anh phải tháo rời một chiếc ô tô của Chính phủ Anh để điều tra sau khi tìm thấy một thẻ SIM của Trung Quốc có khả năng truyền dữ liệu vị trí ở bên trong chiếc ô tô này.
Ông Tu Le, một nhà tư vấn làm việc tại Sino Auto Insights, đơn vị chuyên theo dõi ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cảnh báo, các cảm biến được sử dụng trong hỗ trợ lái có thể được sử dụng để lập bản đồ khu dân cư. Nếu thiết bị này rơi vào tay kẻ xấu, có thể cho phép các quốc gia thù địch lập bản đồ tòa nhà chính phủ hoặc khu quân sự nhạy cảm.
Còn ông Alicia Kearns, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Anh cho rằng: “Không nên cho phép Trung Quốc có cửa sau để xâm nhập vào an ninh nước Anh thông qua phụ thuộc hoặc chèn thêm những công nghệ có thể lập bản đồ, đánh cắp dữ liệu về cuộc sống hằng ngày của người dân Anh. Chúng ta phải học từ vụ Huawei”.
Nghị sĩ Đảng Bảo thủ Bob Seely từng thực hiện cuộc điều tra đối với Huawei năm 2019, buộc Chính phủ Anh phải ra luật để hạn chế thiết bị này, khẳng định: “Chúng ta vốn đã phụ thuộc lớn vào nguồn cung của Trung Quốc. Tình hình sẽ diễn biến tồi tệ hơn nếu tiếp tục phụ thuộc vào pin”.
Trước những lo ngại trên, Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh khẳng định cam kết đảm bảo tương lai của ngành ô tô tại Anh.
Mỹ cảnh báo xe tự lái Trung Quốc
Không chỉ Anh, ở Ấn Độ và Mỹ, mối lo ngại về an ninh quốc gia đối với những chiếc xe điện thông minh, xe tự lái Trung Quốc ngày càng lớn.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg cho biết, cơ quan này quan ngại về an ninh quốc gia liên quan tới các công ty xe tự lái Trung Quốc đang hoạt động tại thị trường Mỹ.
“Dù là phần cứng hoặc phần mềm, theo tôi, công nghệ giao thông của Trung Quốc đều tiềm ẩn những nguy cơ đáng ngại tương tự như TikTok hay các công ty viễn thông Trung Quốc”, ông Buttigieg nói.
Ông Buttigieg cho rằng, Mỹ cần tìm hiểu chủ sở hữu thực sự của các doanh nghiệp đang cung cấp các thành phần khác nhau trong hệ thống giao thông vận tải của nước này.
Người đứng đầu ngành giao thông Mỹ đưa ra nhận định trên sau khi nhận được kiến nghị từ một nhóm nghị sĩ thuộc cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ của Mỹ, gồm các ông: Tim Walberg, Bob Latta, Marc Veasy và bà Debbie Dingell, đề nghị điều tra mức độ phổ biến của công nghệ xe tự lái Trung Quốc, cân nhắc biện pháp hạn chế công ty xe tự lái Trung Quốc tiếp cận, hoạt động tại thị trường Mỹ.
Ngoài lo ngại có thể đánh mất lợi thế chiến lược khi cho phép các công ty xe tự lái Trung Quốc hoạt động tại thị trường Mỹ, nhóm nghị sĩ còn lo ngại về an ninh quốc gia.
“Các công nghệ lidar, radar, camera, trí tuệ nhân tạo, cảm biến tối tân, chất bán dẫn ứng dụng trong xe tự lái có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về cơ sở hạ tầng và công dân Mỹ rồi truyền về Trung Quốc”, theo nhóm nghị sĩ.
Ở Ấn Độ, cuối tuần qua, tờ Economic Times (Ấn Độ) dẫn nguồn tin từ giới chức nước này cho biết, Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất của nhà sản xuất ô tô BYD kết hợp với công ty Megha Engineering and Infrastructure của Ấn Độ xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện và pin, trị giá 1 tỷ USD tại đất nước tỷ dân. Theo nguồn tin này, nguyên nhân chính là vì lo ngại an ninh nhưng không nêu chi tiết.