Cả ASEAN chuyển động
Các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực đưa xe điện vào mạng lưới giao thông công cộng. Bởi nhận thức về môi trường trong khu vực đang gia tăng và cả các áp lực giảm thiểu phát thải carbon hay các cam kết mà ASEAN tuyên bố với thế giới. Xanh hóa nền kinh tế cũng mang lợi ích mới. Vì thế, ASEAN phải cạnh tranh để thu hút đầu tư của các hãng xe điện từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Cơ quan quản lý giao thông công cộng Bangkok có kế hoạch loại bỏ xe buýt chạy xăng theo từng giai đoạn. Dự kiến 3.200 xe buýt điện sẽ thay thế hoàn toàn cho số xe buýt cũ vào năm 2025.
Những chiếc tuktuk – biểu tượng của Bangkok và du lịch Thái Lan – phần lớn thuộc sở hữu tư nhân. Tuy vậy, theo Electrek, dịch vụ tuktuk chạy điện đã xuất hiện ở khu phố sầm uất Sukhumvit của Bangkok từ đầu năm 2022. Hãng Muvmi đã triển khai 100 xe điện để phục vụ người mua sắm, cư dân và công nhân từ các soi (hẻm) 3 và 51 trên đường Sukhumvit đến đường New Petchaburi, và các khu vực khác.
Chính quyền Jakarta ở Indonesisa sẽ đưa 1.000 xe điện vào hệ thống buýt công cộng Transjakarta vào cuối năm nay. Con số này sẽ được nâng lên 3.000 vào năm 2025.
Tại Việt Nam, VinFast đã nhận số vốn đầu tư 135 triệu đô la từ quỹ do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức khác thành lập để thúc đẩy các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. VinFast có kế hoạch dùng số tiền này cho các xưởng sản xuất xe buýt điện và thiết bị sạc. Tháng 3-2022, những chiếc xe buýt điện đầu tiên của VinFast đã lăn bánh trên đường phố TPHCM.
Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu tăng tỷ lệ xe điện trong tổng số xe mới vào năm 2030 và đưa ra các ưu đãi về thuế cho các hãng xe điện.
Indonesia đã giới thiệu chính sách giảm thuế cho các công ty có liên quan ngành công nghiệp xe điện, như pin chẳng hạn, bởi xứ vạn đảo giàu nickel – một trong những kim loại quan trọng để sản xuất pin.
Đối tác công tư và chính sách xe điện
Một số nước trong khu vực như Singapore và Indonesia xem dịch vụ gọi xe công nghệ là một phần không thể tách rời của mạng lưới giao thông công cộng.
Singapore có kế hoạch loại bỏ dần các loại xe động cơ đốt trong vào năm 2040. Từ năm 2040 Indonesia chỉ cho phép bán xe máy điện và từ năm 2050 chỉ cho phép bán ô tô điện. Vì thế, các hãng gọi xe đồng hành với chính phủ trong kế hoạch loại bỏ dần các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (xăng hay dầu).
Grab hiện điều hành đội xe gồm 10.000 xe điện tại Indonesia – thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á của Grab lẫn Gojek, và dự định nâng lên 26.000 chiếc vào năm 2025. Hãng đã hợp tác với tập đoàn ô tô Hyundai để triển khai các chương trình xe điện tại Singapore, Indonesia và Việt Nam nhằm khuyến khích các tài xế sử dụng xe điện. Grab cũng đầu tư vào hai hãng sản xuất xe máy điện Smoot Motor và Viar Motor Indonesia.
Tại Thái Lan, gần đây Grab đã hợp tác với hãng con cho thuê xe của Ngân hàng Kasikorn trong chương trình cho vay ưu đãi để tài xế có thể mua xe điện với giá rẻ hơn. Grab hy vọng sẽ có 10% tài xế của họ ở ASEAN sử dụng xe điện vào năm 2026.
Gojek đã đầu tư vào Wika Industri Manufaktur cùng với chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Năm 2021, Gojek cùng hãng năng lượng địa phương TBS Energi Utama lập liên doanh xe điện Electrum. Hãng gọi xe này cam kết chuyển đổi 100% đội ngũ tài xế của mình sang sử dụng xe điện vào năm 2030 như một phần trong nỗ lực thúc đẩy lượng khí thải bằng 0. Trong năm 2022, Gojek đã đưa một số xe máy điện chạy ở Jakarta.
Cuộc chiến của các hãng xe điện song hành cùng cuộc đua giành thị phần giữa Grab và Gojek. Và xứ vạn đảo cũng là chiến trường sôi động nhất.
Theo Reuters, chính phủ nước này đã tích cực mời chào hai tập đoàn lớn của Đài Loan là Foxconn và Gogoro cùng với các doanh nghiệp quốc doanh lập liên doanh sản xuất xe điện với tổng vốn 8 tỉ đô la Mỹ. Nhà máy của liên doanh rộng 800 héc ta ở tỉnh Central Java. Nhiều hãng xe điện cũng đã nhanh chóng lập kế hoạch xâm chiến thị trường Indonesia bởi Jakarta đang chuẩn bị ngân khoản 5.000 tỉ rupiah, tức hơn 320 triệu đô la, để tài trợ khoảng 5.000 đô la cho mỗi xe hơi chạy điện bán được.
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đưa xe điện chiếm 30% lượng xe trong nước vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ hỗ trợ người mua xe điện đến 150.000 baht (hơn 4.000 đô la) cho mỗi xe.
Thái Lan đã hạ thuế nhập khẩu xe điện nguyên chiếc từ 40% xuống còn 20% và 0%, tùy công suất động cơ, áp dụng đến năm 2023. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện từ 8% xuống 2% để khuyến khích các hãng xe sản xuất xe điện tại Thái Lan. Hiện các hãng xe điện Trung Quốc đang giành ưu thế trên đất chùa vàng.
Giao thông công cộng là hình mẫu
Rào cản đối với xe buýt công cộng chạy bằng điện thấp hơn xe điện cá nhân, bởi xe buýt chạy trên các tuyến cố định, dễ dự đoán thời điểm cần sạc và do đó cần ít trạm sạc hơn.
“Họ đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về xe điện bằng cách xây dựng hệ sinh thái xe điện trong giao thông công cộng làm hình mẫu trước khi xây mạng lưới tương tự cho xe cá nhân”, theo lời Kenichi Shimomura, người phụ trách khu vực châu Á cũa hãng tư vấn Roland Berger của Đức.
Hệ thống xe buýt công cộng không phải là lĩnh vực duy nhất mà các nước ASEAN nỗ lực xanh hóa. SMRT, nhà điều hành mạng giao thông công cộng chủ yếu ở Singapore, đã sử dụng hệ thống vận hành thế hệ tiếp theo cho đường sắt đô thị từ hãng thiết bị điện tử Thales, Pháp. Hệ thống giảm mức tiêu thụ năng lượng bằng cách tối ưu hóa khả năng tăng tốc, giảm tốc và phanh của đoàn tàu để các chuyến xe êm ái và hiệu quả.
Malaysia đang khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện giao thông thải ra ít khí carbon hơn. Tháng 9-2022 vừa rồi, chính phủ đã công bố một chương trình nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng ở các khu đô thị lên 50% vào năm 2040, từ mức 18% của năm 2018.
Các nỗ lực điện khí hóa cũng đang được tiến hành ở lĩnh vực vận tải đường biển và đường sông. Tại Thái Lan, một chiếc thuyền chở khách chạy bằng điện đã bắt đầu hoạt động thường xuyên trên một con kênh ở Bangkok từ cuối tháng 2 năm ngoái. Thuyền có sức chứa khoảng 40 hành khách, được trang bị các tấm pin mặt trời trên mái có thể sạc lại pin trong 90-120 phút.