Được thành lập cách đây 20 năm, hành trình trở thành nhà sản xuất xe điện (EV) hàng đầu của Tesla bắt đầu sau "cái bắt tay" với Toyota vào năm 2010.
Mối quan hệ hợp tác này đã kết thúc vài năm sau đó, nhưng Tesla đã mua được nhà máy đầu tiên từ Toyota. Hiện nay, sau 13 năm, Toyota lại phải tìm đến Tesla để học hỏi kinh nghiệm sản xuất xe EV.
Giám đốc điều hành của một nhà sản xuất ôtô Nhật Bản bày tỏ: "Vào thời điểm cách đây 13 năm, không ai có thể tưởng tượng rằng Tesla sẽ có được vị thế như bây giờ. Đây là một điều rất bất ngờ. Cuối cùng cũng đến lúc Toyota phải học hỏi từ Tesla."
Vị giám đốc này cho hay với tình hình hiện tại, Toyota sẽ không thể giảm giá bán xe EV và đã đến lúc Toyota cần phải thay đổi phương thức sản xuất.
Giữa tháng 6/2023, Toyota đã thông báo sẽ áp dụng công nghệ gigacasting, công nghệ đúc nhôm mà Tesla tiên phong, cho EV thế hệ tiếp theo của mình vào năm 2026.
Mặc dù, đây được coi là công nghệ đột phá đối với Toyota song Tesla đã sử dụng công nghệ sản xuất này cho mẫu xe Model Y từ năm 2020 và các dòng sản phẩm khác, giúp giảm trung bình một nửa chi phí sản xuất trên mỗi chiếc xe.
Trở lại thời điểm tháng 11/2010, tại một cuộc họp báo sau khi Tesla và Toyota thông báo về sự hợp tác trên, Giám đốc điều hành Elon Musk cho biết mong muốn được học hỏi kỹ thuật sản xuất được coi là "tốt nhất trên thế giới" của Toyota.
Với quan hệ đối tác này, Tesla đã nhận được 50 triệu USD từ Toyota và đổi lại, công ty ôtô Nhật Bản sở hữu khoảng 3% cổ phần của Tesla. Ngoài ra, Tesla mua một phần và sau đó là toàn bộ nhà máy ôtô ở California từ liên doanh NUMMI của Toyota và General Motors.
Nhà máy NUMMI đã được trang bị đầy đủ thiết bị và hầu như không cần Tesla phải chi thêm bất kỳ khoản chi nào. Một số công nhân của nhà máy cũng đã được giữ lại.
Một giám đốc điều hành của Tesla khi nhìn lại thương vụ này đã gọi đó là một sự may mắn, vì công ty thiếu kinh nghiệm và công nghệ trước khi mua lại nhà máy trên.
Tesla đã phải nỗ lực để sản xuất hàng loạt Model S, mẫu xe EV đầu tiên được sản xuất theo kiểu "cây nhà lá vườn" vì thiếu kinh nghiệm, chuyên môn về sản xuất EV. Tesla liên tiếp hoạt động trong tình trạng thua lỗ với lượng tiền mặt giảm mạnh.
Trong khi đó, sự hợp tác này hầu như không mang lại lợi nhuận chôtôyota ngoài việc tìm được người mua lại nhà máy ở California. Doanh số EV cũng tăng chậm nên Toyota đã bán toàn bộ cổ phần ở Tesla vào cuối năm 2016.
Các kỹ sư của Toyota cảm thấy rằng họ có thể chế tạo xe EV và không nhiệt tình hợp tác với Tesla.
Tuy nhiên, tình hình thị trường và ngành công nghiệp EV đã có thay đổi với sự tham gia của Tesla và các công ty Trung Quốc. Thành công của Tesla được xây dựng dựa trên việc xác định được những điểm yếu của ngành công nghiệp ôtô và sự táo bạo vượt qua các định kiến và tư duy lối mòn.
Tesla bán ôtô trực tiếp trên mạng Internet mà không có mạng lưới đại lý. Mặc dù các đại lý có thể cung cấp cho người mua xe tiềm năng nhiều dịch vụ cá nhân hơn, nhưng điều này dẫn đến giá cao hơn và chi phí lớn hơn cho nhà sản xuất.
Tesla cũng thực hiện một cách tiếp cận khác đối với triết lý cải tiến liên tục của Toyota, chẳng hạn như theo đuổi tiết kiệm chi phí dù nhỏ đến đâu.
Khi Tesla xây dựng một nhà máy ôtô mới, họ sẽ thường xuyên đánh giá lại các phương pháp sản xuất để có sự điều chỉnh và khắc phục những điểm chưa hiệu quả một cách kịp thời. Tesla cũng liên tục tìm cách cắt giảm chi phí và tăng cường cạnh tranh với các đối thủ.
Ngành công nghiệp EV đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc và những doanh nghiệp đến từ các lĩnh vực khác.
Tesla đã rút ra bài học từ Toyota trong quá trình phát triển của mình và giờ đây đến lượt các nhà sản xuất ôtô khác đang phải học hỏi từ Tesla.