ASIA

06-01-2023 10:56
Indonesia với tham vọng trở thành trung tâm xe điện của Đông Nam Á 10 năm trước, Thái Lan có thể dễ dàng khẳng định danh hiệu trung tâm sản xuất ô tô của Đông Nam Á. Nhưng giờ đây Indonesia bắt đầu đặt ra thách thức đáng kể đối với ngôi vương của Thái Lan.

Indonesia đặt mục tiêu có 2,5 triệu xe máy điện và ô tô điện lưu thông vào năm 2025, với 20% số đó được sản xuất trong nước. Nhưng tính đến tháng 10/2022, tổng số xe điện mới đạt gần 28.200 chiếc. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng xe điện tại Indonesia cần tăng gấp 89 lần trong chưa đầy 3 năm.

Bên cạnh thách thức về chi phí và cơ sở hạ tầng hạ tầng - vấn đề chung của bất kỳ quốc gia nào muốn chuyển đổi sang xe điện, việc sử dụng xe điện tại Indonesia cũng bị hạn chế bởi năng lực sản xuất hiện có.

Nhà máy sản xuất xe điện duy nhất ở nước này là Hyundai Cikarang, bắt đầu hoạt động từ tháng 3/2022 với công suất dự kiến ​​250.000 chiếc/năm. Ngay cả khi Hyundai đạt được công suất kế hoạch, không có gì đảm bảo số xe này sẽ bán hết trong nước để hoàn thành mục tiêu nói trên.

Chính sách thúc đẩy cung - cầu

Indonesia đang sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đáp ứng tốt quy trình sản xuất xe điện, đảm bảo nguyên liệu thô đầu vào ổn định, giúp giảm chi phí sản xuất xe điện.

Quốc gia này có trữ lượng niken cao nhất thế giới, chiếm khoảng 22%. Đồng thời, coban (giúp kéo dài tuổi thọ pin) và bauxite (được sử dụng trong sản xuất nhôm, thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện) cũng được tìm thấy ở đây.

Từ tháng 1/2020, Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken song song với việc phát triển công nghệ nóng chảy nguyên liệu thô, sản xuất pin xe điện và giờ là sản xuất một chiếc xe điện thực tế. PT Hyundai Motors Indonesia đã tung ra mẫu xe điện sản xuất trong nước đầu tiên vào mùa xuân năm 2022.

Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 600.000 xe điện vào năm 2030 và 1 triệu xe điện trong 5 năm sau đó. Tham vọng này được hỗ trợ bởi nguồn cung niken sẵn có, cơ sở hạ tầng luyện kim được nâng cấp và khả năng sản xuất pin xe điện trong nước.

Năm 2021, Tập đoàn Pin Indonesia (IBC) được thành lập, sau khi Tổng thống Jokowi thông qua Chương trình tăng tốc phát triển xe điện vào năm 2019. IBC đã hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển công nghệ và thúc đẩy sản xuất pin xe điện trong nước.

Một số quy định khác đã được thông qua bao gồm giảm thuế đối với xe điện và phụ tùng xe điện nhập khẩu, tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng xe điện. Tháng 9/2022, Tổng thống Jokowi cũng chỉ đạo các cơ quan, công ty nhà nước mua xe điện cho đội xe để tăng cường sử dụng và chấp nhận loại phương tiện này.

Bộ trưởng Công nghiệp Agus Gumiwang Kartasasmita cho biết người mua có thể được giảm 80 triệu rupiah (khoảng 121 triệu đồng) trên giá xe điện được sản xuất tại Indonesia cùng với các ưu đãi khác dành cho ô tô hybrid, xe máy điện.

Một bộ trưởng cấp cao của Indonesia chia sẻ với Reuters, Indonesia có thể sẽ phân bổ 5 nghìn tỷ rupiah (hơn 7,5 nghìn tỷ đồng) từ ngân sách để khuyến khích mua xe điện trong năm 2023. Tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ hy vọng với những ưu đãi này, ngành công nghiệp xe máy điện và ô tô điện sẽ phát triển.

Những chỉ thị này cho thấy quyết tâm của Indonesia trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Thế nhưng, mục tiêu của nước này vẫn cho thấy tham vọng quá lớn trước những thách thức hiện hữu về việc đưa chính sách vào thực tế, năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhu cầu của người dân.

Một rào cản khác làm giảm sức hấp dẫn của xe điện đối với người dân, đó là giá thành. Một chiếc xe điện tại Indonesia được cho là có giá bán gấp cao 4 lần xe xăng, ngay cả khi đã áp dụng các ưu đãi. Việc thiếu cơ sở hạ tầng sạc cũng là một trở ngại lớn đối với việc sử dụng xe điện khi nước này chỉ có 332 trạm sạc và 269 trạm đổi pin, tính đến cuối tháng 7/2022.

Indonesia bám đuổi quyết liệt để vượt qua Thái Lan

Thái Lan là quốc gia thứ hai tại Đông Nam Á (sau Singapore) sở hữu cửa hàng của Tesla nhưng Indonesia không có ý định theo chân Thái Lan để trở thành một đại lý bán hàng đơn thuần.

Thay vào đó, Indonesia muốn Tesla thiết lập một cơ sở sản xuất 500.000 ô tô mỗi năm tại đây. Chính phủ nước này đã đưa ra đề nghị để Tesla tiếp cận nguồn điện năng tạo ra từ địa nhiệt tái tạo (lên đến 400 MW). Điều này sẽ tác động tích cực đến chứng chỉ xanh dành cho chuỗi cung ứng của Tesla, một trong những tiêu chí về bảo vệ môi trường để đánh giá công ty đại chúng.

Theo Jakarta Post, Bộ trưởng Đầu tư và Điều phối Hàng hải Thái Lan - Luhut Pandjaitan đã đề xuất Tesla thành lập một nhà máy sản xuất 500.000 xe điện mỗi năm ở Batang - nơi LG đang xây dựng cơ sở sản xuất pin trị giá 9,8 tỷ USD.

Các nhà máy sản xuất và xử lý pin của Hyundai và LG tại Indonesia đã bắt đầu xây dựng từ tháng 9/2021, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024. “Hyundai sẽ tiếp tục đóng góp vào việc thiết lập hệ sinh thái xe điện ở Indonesia thông qua nhà máy pin đang xây dựng. Điều này hỗ trợ Indonesia giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu.” - ông Chung, Chủ tịch Điều hành của Tập đoàn ô tô Hyundai cho biết.

Indonesia đã và đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực xe điện và pin nhằm mở rộng quy mô và theo đuổi mục tiêu điện khí hóa phương tiện. Tháng 1/2022, nước này đã ký kết hợp tác với nhà sản xuất điện tử Đài Loan Foxconn để sản xuất phương tiện cũng như pin phương tiện.

Bộ trưởng Bộ Đầu tư Bahlil Lahadalia cũng từng tiết lộ một đề xuất đã được đưa ra cho hãng ô tô hàng đầu nước Đức - Volkswagen về việc thành lập nhà máy sản xuất linh kiện pin xe điện tại Indonesia hồi tháng 10/2021.

Connect with us