GLOBAL

31-01-2023 15:39
MATE RIMAC: “CƠN GIÓ LẠ” CỦA NGÀNH XE ĐIỆN TOÀN CẦU Trên bản đồ xe điện toàn cầu, không có tên Croatia. Nhưng quốc gia nhỏ bé nằm cạnh biển Adriatic này lại có một công dân sở hữu tầm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của xe điện, đặc biệt là phân khúc xe hiệu suất cao. Ở tuổi 34, Mate Rimac là một trong những nhân vật quan trọng nhất của ngành công nghiệp xe hơi trên thế giới.

Mới đây, Mate Rimac cũng đã được bầu chọn vào danh sách những cá nhân góp phần định hình thế giới xe điện, sánh vai cùng CEO Herbert Diess của Volkswagen hay tỷ phú Elon Musk của Tesla. Tên anh có vẻ xa lạ với hầu hết người tiêu dùng, nhưng đã làm trong hai lĩnh vực siêu xe và xe điện, thì không ai lại không biết đến Mate Rimac, ông chủ kiêm nhà sáng lập Rimac Automobili, đồng thời là CEO của Bugatti Rimac – một liên minh giữa Rimac Group, Porsche Group và thương hiệu siêu xe Bugatti. Chưa kể đến, trong tay anh còn có Greyp Bikes, công ty chuyên xe máy điện hiện đang hoạt động rất hiệu quả.

Cũng phải nói thêm, Rimac Nevera đang được coi là chiếc xe điện nhanh nhất thế giới, thuộc Top 5 xe điện đắt nhất thế giới và sẽ còn được nâng cấp ở các phiên bản tiếp theo.

Niềm đam mê từ thời niên thiếu

Thuở thiếu thời, Mate Rimac dành tình yêu cho khoa học. Ở bậc trung học, anh đã giành vô số giải thưởng ở địa phương, quốc gia và quốc tế về cải tiến và phát minh công nghệ. Năm 19 tuổi, sau khi sở hữu một chiếc BMW series 3 đời 1984, Mate Rimac đã biến nó thành xe điện ngay trong ga-ra nhà mình. Khó tin nhưng có thật, sản phẩm xe điện đầu tay của anh đã phá vỡ 5 kỷ lục thế giới về khả năng tăng tốc, sau khi nó lăn bánh khoảng 3 km trên một đường đua ở gần Zagreb.

Sau này, nó được đặt tên là Green Monster – Quái vật màu xanh, dựa vào màu sơn nguyên bản. Mate Rimac tiết lộ, anh bán các bằng sáng chế độc quyền để lấy tiền mua và nâng cấp Green Monster, cộng thêm các khoản tài trợ từ một số nhà đầu tư hảo tâm. Một trong các sáng chế nổi tiếng của Mate Rimac khi đó là chiếc găng tay kỹ thuật số iGlove, có thể thay thế cả chuột và bàn phím máy tính.

Năm 2009, anh sáng lập Rimac Automobili và hai năm sau, thương hiệu non trẻ này cho ra đời chiếc siêu xe thuần điện đầu tiên, mẫu Concept One. Đó gần như là sản phẩm của bộ đôi Mate Rimac và Adriano Mudri, một nhà thiết kế làm việc cho General Motor. Tham gia nhiều triển lãm xe hơi danh tiếng, Concept One nhận được vô số sự quan tâm của các thương hiệu xe hơi lớn cũng như khách hàng.

Với giá 980.000 USD, nó được sản xuất giới hạn 88 chiếc, bán hết rất nhanh và còn giành thắng lợi trong nhiều cuộc đua – cả về tốc độ lẫn chinh phục địa hình khó. Ngay từ khi đó, Mate Rimac đã ý thức rất rõ ràng về tầm nhìn của bản thân và cả công ty, rằng xe điện chính là tương lai. Tất cả những gì cần làm chỉ là nỗ lực hết mình để biến giấc mơ thành hiện thực.

Từng được đề nghị chuyển công ty sang Trung Đông để có được khoản đầu tư lớn từ Hoàng gia UAE (Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất) trong thời điểm khó khăn nhất, nhưng Rimac vẫn lạnh lùng từ chối vì không muốn rời khỏi Croatia. Để duy trì Rimac Automobili, Mate Rimac phải làm việc cùng lúc cho nhiều hãng xe, tham gia nghiên cứu pin, bộ truyền động điện, thiết kế và sản xuất xe nguyên chiếc. Số tiền kiếm được anh dồn vào việc phát triển Concept One và cố gắng tìm kiếm thêm nhà đầu tư để nó có thể chính thức ra mắt.

“Đó là điều điên rồ nhất mà tôi từng thực hiện”, Rimac đã nói như vậy. Bởi Croatia không có ngành công nghiệp xe hơi, đồng nghĩa với việc anh không thể thuê được những người giàu kinh nghiệm. Anh cũng không đủ khả năng tài chính để mời được các kỹ sư, chuyên gia và thợ giỏi từ nước ngoài. Anh cũng từng đề nghị Đại học cơ khí Zagreb cùng nghiên cứu sản xuất chiếc Concept One, nhưng người ta nói chuyện đó là viển vông, và khuyên anh nên từ bỏ. Giờ đây, Mate Rimac làm chủ một hãng xe hơi có giá trị gần 1 tỷ USD, còn Adriano Mudri đảm nhiệm vị trí Giám đốc thiết kế.

Nhiều người sẽ thắc mắc, rằng vì sao sau 13 năm phát triển, Rimac Automobili với khoảng 1.000 nhân viên vẫn chỉ có vỏn vẹn hai mẫu xe? Bởi mục tiêu lớn nhất của Mate Rimac chính là việc trở thành nhà cung ứng chính hệ thống điện cho các hãng xe lớn – nhất là những hãng muốn phát triển dòng xe hiệu suất cao, hay ngắn gọn là siêu xe.

Năm 2018, hãng xe Đức Porsche Group đã mua lại 10% cổ phần để hình thành mối quan hệ đối tác, như một phần của quá trình chuyển đổi sang xe điện. Một năm sau, đến lượt Hyundai đầu tư hơn 100 triệu USD vào Rimac Automobili và công bố kế hoạch hợp tác sản xuất xe điện hiệu suất cao, để rồi trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 12% cổ phần, chỉ xếp sau chính Mate Rimac với 37% và Porsche với 24%.

Tháng 7/2021, Volkswagen đã ra thông cáo về việc thành lập liên doanh giữa hai thương hiệu thuộc quyền quản lý của tập đoàn này là Porsche và Bugatti với Rimac Automobili. Mang tên Bugatti Rimac, cổ phần của liên doanh này do Rimac Group nắm giữ 55%, 45% còn lại thuộc về Porsche. Điều này cũng dẫn đến việc Hyundai tuyên bố ngừng các dự án trong tương lai với Rimac Automobili hồi tháng Năm vừa qua, nhưng bù lại, Porsche sẽ đổ thêm vào liên doanh này 500 triệu USD.

Vậy thì, điều gì đã dẫn đến sự ra đời của liên doanh này? Đó là nỗi khó khăn trong việc điện hóa những chiếc siêu xe của Bugatti. Với mẫu Chiron, để ra mắt phiên bản xe điện, Volkswagen phải bỏ ra 420 triệu USD, nhưng nếu có sự can thiệp của Rimac Automobili, con số chỉ còn là 240 triệu USD. CEO Herbert Diess đã khôn ngoan lựa chọn hợp tác với hãng xe non trẻ để tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư, mà lại giữ được thương hiệu Bugatti.

Nên biết, Volkswagen luôn phải chịu lỗ đến vài triệu USD cho mỗi mẫu Bugatti bán ra, và trong công cuộc điện hóa, ban lãnh đạo tập đoàn đã nhiều lúc nghĩ đến chuyện từ bỏ thương hiệu này.

Không chỉ Bugatti, còn rất, rất nhiều hãng siêu xe khác phải cậy nhờ đến Mate Rimac trong quá trình sản xuất xe điện. Như mẫu Battista của Pininfarina được Mate Rimac hỗ trợ kỹ thuật cho bộ pin và hệ thống truyền động, cho phép phát triển trên nền tảng chiếc Nevera.

Như mẫu Valkyrie của Aston Martin được Mate Rimac xử lý hệ thống pin hybrid trọng lượng nhẹ, cũng như động cơ điện hỗ trợ tăng sức mạnh cho động cơ chính 6,5L. Như mẫu Regera của Koenigsegg được Mate Rimac trang bị bộ pin cỡ nhỏ 9,27 kWh có khả năng tạo ra công suất đến 670 mã lực bổ sung cho động cơ 5L V8 tăng áp kép.

Ngoài ra, Rimac Automobili còn nghiên cứu cả các dịch vụ kết nối và công nghệ xe tự lái. Chính Mate Rimac là người trực tiếp phát triển các tính năng hỗ trợ lái tự động trong những tình huống đặc biệt, hệ thống giám sát người lái và bên ngoài xe, cộng với hệ thống Driver Coach (huấn luyện tài xế).

Anh cũng tham gia viết phần mềm di động cho OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc), chẳng hạn như ứng dụng cho phép kiểm soát từ xa việc sạc và sưởi ấm xe điện. Công nghệ mang dấu ấn của Mate Rimac chắc chắn sẽ hiện diện trên rất nhiều chiếc xe điện mà chúng ta sử dụng sau này.

Ở tuổi 34, Mate Rimac hoạt động như cỗ máy không ngừng nghỉ. Bởi trước mắt anh còn nhiều thứ phải giải quyết. Đó là tiếp tục nâng cấp chiếc Nevera để nó hoàn thiện hơn trong các phiên bản sau. Đó là mở rộng trụ sở, nâng số lượng nhân viên từ hơn 1.000 người lên đến 2.500 người. Đó là đạt doanh thu khoảng 600 triệu USD/năm. Đó là đưa cổ phiếu Rimac lên sàn chứng khoán.

Nhìn vào, rõ ràng Rimac Automobili đang gặt hái rất nhiều thành công, nhưng Mate Rimac lại có một định nghĩa khác về điều này. “Tôi nghĩ là chưa. Hiện công ty vẫn đang đốt tiền mặt, vẫn phải huy động từ các nhà đầu tư và chúng tôi còn chưa xuất xưởng Nevera. Với tôi, thành công là khi chúng tôi giao xe hàng tuần cho khách hàng trên toàn thế giới, là tập đoàn dẫn đầu về xe điện hiệu suất cao và có lượng pin cũng như hệ thống truyền động chuyển tới OEM hàng ngày”. Đơn giản nhưng rõ ràng, đầy đủ.

Connect with us