Thị trường xe điện ở Ấn Độ đang chứng kiến những bước nhảy vọt. Dữ liệu mới nhất cho thấy doanh số bán xe điện EV (bao gồm xe máy, xe hơi và xe ba bánh) tại thị trường này đã tăng 147% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng này đang khiến các nhà sản xuất ngày càng tích cực hơn trong áp dụng các công nghệ mới – đặc biệt là Thực tế ảo hay Metaverse – nhằm tăng cường trải nghiệm khách hàng, từ đó gia tăng doanh số.
Vào năm ngoái, hãng xe Mahindra đã tung ra nền tảng metaverse có tên XUV400Verse cho chiếc SUV điện mới - XUV400. Hay mới đây, công ty Mindshare ở Ấn Độ đã ra mắt nền tảng metaverse bán xe điện cho hãng Volvo, được gọi là Volvoverse. Sản phẩm đầu tiên được đưa tới khách hàng là dòng Volvo XC40 Recharge.
Các chuyên gia dự báo trong vài năm tới, Metaverse có khả năng khiến doanh số bán xe điện bùng nổ ở Ấn Độ.
Với metaverse, các nhà sản xuất và đại lý xe có thể tạo các phòng trưng bày ảo sống động, nơi khách hàng có thể khám phá và tương tác với hình đại diện của nhân viên bán hàng, đồng thời được giới thiệu xung quanh các phòng trưng bày và trình diễn các mẫu xe điện.
Điều này có thể nâng cao trải nghiệm mua xe điện bằng cách cho phép khách hàng xem các mẫu xe điện khác nhau. Khách hàng có thể tùy chỉnh các phương tiện trong metaverse mà không cần đến phòng trưng bày thực tế.
Cùng với trải nghiệm nhập vai, metaverse cũng có thể cung cấp các mô phỏng và lái thử ảo, cho phép những người mua tiềm năng trải nghiệm việc lái xe điện mà không thực sự có mặt trên xe. Điều này có thể được thực hiện thông qua công nghệ thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR), nhờ đó mang lại cảm giác chân thực về hiệu suất và tính năng của các mẫu xe điện khác nhau.
Chưa kể, công nghệ còn cung cấp thêm cho khách hàng tùy chọn để cá nhân hóa và tùy chỉnh xe điện ảo của họ, khám phá các tùy chọn khác nhau về màu sắc, đường viền, phụ kiện, v.v. Điều này sẽ cung cấp một cách tương tác và hấp dẫn hơn để khách hàng định cấu hình EV mong muốn của họ trước khi đưa ra quyết định mua hàng.
Do không cần phòng trưng bày thực tế, chi phí thành lập đại lý xe điện ảo có thể thấp hơn nhiều so với đại lý truyền thống.
Theo ông Neeraj Manchanda, nhà sáng lập Zuge Electric, thì “điều này cho phép họ hòa vốn nhanh hơn nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ không cần phải duy trì nhiều hàng tồn kho như một cửa hàng thực vì phần lớn các cuộc lái thử ban đầu có thể diễn ra trong metaverse”.
Một trong những lợi thế lớn khác của metaverse là người dân ở các vùng nông thôn Ấn Độ cũng có thể trải nghiệm y như người dân thành thị. Rào cản địa lý và hệ thống phân phối vốn là một trong những thách thức lớn cho một quốc gia rộng lớn như Ấn Độ. Nhưng với công nghệ, điều này có thể dễ dàng giải quyết.
"Metaverse sẽ giúp loại bỏ các rào cản địa lý và cho phép tương tác trực tiếp với khách hàng mà không cần qua trung gian. Do đó, lợi ích về chi phí có thể được chuyển cho khách hàng", ông Manchanda kết luận.