Cuộc đua sản xuất xe ô tô điện càng ngày càng nóng lên giữa 3 nhà sản xuất lớn là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, Chính phủ Mỹ đang đẩy mạnh các khoản đầu tư, bơm tiền vào lĩnh vực xe điện để các nhà máy sản xuất đặt tại Mỹ sớm tự chủ được nguồn cung và dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu không hề dễ dàng.
Nhà máy của hãng ô tô BMW đặt tại bang Carolina, Mỹ, mỗi ngày sản xuất 1.500 chiếc xe mới. Hãng này đặt mục tiêu một nửa doanh số của hãng sẽ là xe điện vào năm 2030. Ford, GM, Honda và Hyundai đã cam kết sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các dây chuyền sản xuất pin xe điện. Tuy nhiên, tốc độ dịch chuyển sang dùng xe điện của Mỹ vẫn chậm hơn nhiều so với EU và Trung Quốc, khi cả Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều có lượng xe ô tô điện chạy trên đường nhiều hơn gấp nhiều lần so với Mỹ.
Đạo luật giảm phát được Tổng thống Joe Biden ký kết hồi năm ngoái đã đặt cược vào xe điện, bằng cách cam kết sẽ giảm 7.500 USD cho ngừoi tiêu dùng Mỹ mua xe ô tô điện, với điều kiện những chiếc xe đó phải đạt được tiêu chuẩn khắt khe về khai thác nguyên liệu, nguồn cung và dây chuyền sản xuất.
"Đây là tín hiệu từ phía chính phủ cho thấy sự quan tâm lớn đối với thị trường xe điện. Khi họ sẵn sàng trợ giúp người tiêu dùng một khoản lớn như vậy. Các nhà đầu tư cũng nhìn ngay ra cơ hội", bà Anita Rajan - Giám đốc tại Mỹ của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô tại Nhật cho biết.
Chỉ trong vòng 3 tháng sau khi đạo luật được ký kết, khoảng 33 tỷ USD đã được các nhà sản xuất xe ô tô đổ vào lĩnh vực sản xuất xe điện tại Mỹ. Nhưng đổi lại, người mua để được giảm giá thì bản thân chiếc xe điện cũng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của đạo luật.
Ví dụ, 50% cấu phần chiếc pin xe điện phải được khai thác nguyên liệu và sản xuất tại Mỹ hoặc tại các quốc gia đối tác FTA với Mỹ. Từ giờ đến năm 2029, thậm chí yêu cầu này sẽ là 100% cấu phần pin xe điện. Nhưng đây là một yêu cầu rất khó. Một thành phần quan trọng của pin xe điện là lithium. Hiện tại, Trung Quốc mới là quốc gia dẫn đầu về khai thác lithium. Lượng lihthium khai thác tại Mỹ chưa bằng 1/10 so với Trung Quốc.
"Mỹ sẽ phải mất rất lâu mới tìm ra được giải pháp cho thành phần pin xe điện. Sẽ rất khó để đạt được mục tiêu tự lực sản xuất mà không cần bắt tay với Trung Quốc", ông Gary Hufbauer - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định.
Có thể nói, việc Mỹ và các đối tác muốn tự lực sản xuất và khai thác nguyên vật liệu trong lĩnh vực xe điện đang gặp phải thử thách lớn. Thậm chí, quá nhiều tiêu chuẩn và luật lệ đặt ra cũng có thể phản tác dụng, khiến Mỹ khó tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí carbon ra môi trường.