Các chủ doanh nghiệp dịch vụ lắp đặt điện dân dụng và công nghiệp ở Mỹ cho biết họ kín lịch công việc trong vài tháng tới và đang vật lộn để tìm thuê thợ điện. Họ đã tăng lương cho lao động lẫn giá cả công việc nhưng vẫn lo không thể theo kịp nhu cầu khi chính sách khuyến khích bảo vệ khí hậu của chính phủ bắt đầu được triển khai
Brian LaMorte, đồng sở hữu của công ty LaMorte Electric Heating & Cooling ở Ithaca, New York, chuyên lắp đặt máy bơm nhiệt dân dụng và nâng cấp hệ thống điện, bày tỏ: “Tôi mệt mỏi khi nói với khách hàng rằng tôi không thể giúp họ”. Máy bơm nhiệt (heat pump) chủ yếu được sử dụng cho hệ thống sưởi trong phạm vi gia đình. Máy bơm nhiệt sẽ thu nhiệt lượng từ môi trường tự nhiên và nén lại để tăng nhiệt độ lên, rồi cung cấp cho các thiết bị sưởi trong nhà.
Công ty sáu người của LaMorte đã được đặt trước công việc trong sáu tháng tới. Vì vậy, ông đã giới thiệu khách hàng tiềm năng cho các công ty khác trong khu vực Ithaca.
Năm ngoái, người đàn ông 48 tuổi này đã thuê hai người học việc và đã tăng giá trung bình cho mỗi công việc lên mức khoảng 20.000 đô la từ khoảng 16.000 đô la hai năm trước do chi phí nguyên vật liệu, thiết bị và lao động tăng.
Dan Conant , chủ sở hữu công ty phát triển năng lượng mặt trời Solar Holler ở bang Tây Virginia, đang lo ngại không tuyển đủ số lượng thợ điện cần thiết cho công việc. Ông đã khởi động chương trình thực tập sinh thông qua sự hợp tác với một trường trung học địa phương. Ông dự báo bang Tây Virginia cần thêm vài ngàn thợ điện trong thập niên tới.
Jesse Kuhlman, chủ sở hữu Công ty Kuhlman Electrical Services ở bang Massachusetts, cho biết chi nhánh của công ty ông ở vùng South Shore thuộc bang này đã được đặt trước công việc trong mùa hè tới. Công ty ông chuyên lắp đặt lại hệ thống điện cho các ngôi nhà cũ và gần đây cũng tham gia lắp đặt trạm sạc xe điện.
Kuhlman đã cố gắng duy trì tăng trưởng cho công ty bằng cách liên tục đào tạo thực tập sinh. Ông kỳ vọng nhu cầu mới về dịch vụ lặp đặt lại hệ thống điện trong nhà và nâng cấp tủ điều khiển điện sẽ hỗ trợ cho công ty ông ngay khi nền kinh tế trì trệ.
Tình trạng khan hiếm thợ điện nghiêm trọng nhất là ở các bang vùng đông bắc nước Mỹ và bang California, nơi có nhu cầu cao nhất về các sản phẩm năng lượng xanh, một phần nhờ các ưu đãi của chính quyền. Một số nhà kinh tế dự đoán vấn đề thiếu thợ điện sẽ lan rộng khắp đất nước khi chính sách ưu đãi cho công nghệ xanh từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) có hiệu lực.
Theo Cục Thống kê lao động Mỹ (BLS), tổng lực lượng thợ điện của Mỹ hiện tại của Mỹ là hơn 700.000 người và dự kiến tăng thêm 7% trong thập niên tới. Làn sóng chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và nhu cầu cập nhật hệ thống điện sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng đó. Một số nhà phân tích cho rằng tốc độ tăng trưởng về số thợ điện cần phải nhanh hơn nhiều lần mới có thể giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và điện hóa của chính phủ Mỹ.
Thống kê của BLS bao gồm một danh mục riêng về những người lắp đặt điện mặt trời. Tăng trưởng trong lĩnh vực này dự kiến sẽ mức trên 25% trong 10 năm tới. Các nhà phân tích trong ngành cho rằng sẽ rất khó để đáp ứng kịp nhu cầu, đặc biệt là do nhiều thợ điện nghỉ hưu hàng năm hơn là được thay thế và nhiều người đã nghỉ hưu sớm trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Độ tuổi trung bình của thợ điện hiện nay là hơn 40 tuổi. Nhưng gần 30% thợ điện có tham gia công đoàn đang ở độ tuổi từ 50-70 và sắp nghỉ hưu, tăng từ mức 22% vào năm 2005, theo Hiệp hội các nhà thầu điện quốc gia Mỹ.
Mức lương trung bình hàng năm của thợ điện tăng từ khoảng 50.000 đô la lên khoảng 60.000 đô la trong giai đoạn 2018-2022, theo BLS.
Đạo luật IRA sẽ triển khai các ưu đãi trị giá hàng trăm tỉ đô la vào các hoạt động kinh tế được thiết kế để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy chuỗi cung ứng năng lượng sạch ở Mỹ.
“Không có đủ lao động để thực hiện tất cả dự án chuyển đổi xanh”, Brian Kempm Thống đốc bang Georgia, nói và cho biết thêm các chương trình ưu đãi năng lượng sạch nên rải ra trong một thời gian dài hơn. Kể từ khi đạo luật IRA được thông qua hồi năm ngoái, bang Georgia đã thu hút hàng tỉ đô la đầu tư cho các dự án năng lượng sạch bao gồm dự án nhà máy pin của Công ty Freyr Battery (Na Uy).