Đây là một kết quả khởi sắc trước nhiều lo ngại về sự trỗi dậy của than, dầu và khí đốt, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu và xung đột tại Ukraine. Xe điện và lượng năng lượng tái tạo đóng góp một phần cho kết quả này.
Thứ Tư, ngày 19/10, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố dự báo cho thấy lượng khí thải CO2 đang trên đà tăng 300 triệu tấn trong năm 2022. Đó là mức tăng ít hơn nhiều so với mức tăng gần 2 tỷ tấn vào năm 2021, khi thế giới phục hồi sau đại dịch. Mức tăng trong năm nay phần lớn xuất phát từ lĩnh vực hàng không, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Giám đốc điều hành IEA trong một tuyên bố cho biết: "Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu từ xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy nhiều quốc gia tranh giành sử dụng các nguồn năng lượng khác để thay thế sự thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. Tin tức đáng mừng là năng lượng gió và mặt trời đang lấp đầy phần lớn khoảng trống, với mức tăng dùng than tương đối nhỏ và tạm thời".
Ông nói thêm: "Điều này đồng nghĩa với việc lượng khí thải CO2 năm nay tăng chậm hơn nhiều so với những gì một số người lo ngại. Chính sách hành động của các chính phủ đang thúc đẩy những thay đổi thực sự về cơ cấu trong nền kinh tế năng lượng. Những thay đổi đó được thiết lập để tăng tốc nhờ các kế hoạch chính sách năng lượng sạch tiến hành trên khắp thế giới trong những tháng gần đây".
IEA cho biết nếu không có việc triển khai năng lượng tái tạo và xe điện trên toàn cầu, sự gia tăng lượng khí thải sẽ lớn hơn nhiều, có thể lên tới 1 tỷ tấn.
Nhu cầu về than đã tăng lên khi cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá khí đốt tự nhiên tăng cao. Lượng khí thải CO2 từ sản xuất điện than, phần lớn ở khu vực châu Á, dự báo sẽ tăng hơn 200 triệu tấn, tương đương 2%, trong năm nay. Nhưng sự gia tăng lượng khí thải từ than đá là "tương đối nhỏ" do việc mở rộng năng lượng tái tạo, theo báo cáo.
Thế giới đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong năm nay về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Các trang trại tạo ra hơn 700 terawatt-giờ năng lượng, đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 67 triệu ngôi nhà ở Mỹ trong một năm.
Và mặc dù hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến các khu vực rộng lớn ở Bắc Bán cầu, bức tranh tổng thể về thủy điện vẫn mang màu sắc tích cực. Sản lượng thủy điện toàn cầu đã tăng trong năm nay và dự kiến sẽ đóng góp hơn 1/5 tăng trưởng năng lượng tái tạo.
Triển vọng toàn cầu được đưa ra một ngày sau khi một báo cáo riêng cho thấy EU đã tạo ra 1/4 điện năng từ các nguồn tái tạo kể từ khi xung đột bùng nổ.
IEA dự báo lượng khí thải của EU sẽ giảm trong năm nay, mặc dù việc sử dụng than của khu vực đã tăng lên. Một số quốc gia EU đang sử dụng nhiều than hơn để đối phó với việc giá khí đốt tăng và khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp cho một số quốc gia thành viên.
Chưa đầy 3 tuần nữa, các cuộc đàm phán về khí hậu COP27 sẽ bắt đầu ở Ai Cập. Tại đây, các quốc gia dự kiến sẽ đảm bảo kế hoạch giảm phát thải của họ phù hợp với các mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris. Mục tiêu đó là kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C, nhưng tốt hơn hết là mức 1,5 độ C, so với thời tiền công nghiệp.
Dự báo của IEA vẽ ra viễn cảnh tươi sáng hơn dự kiến cho các cuộc đàm phán. Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng lượng khí thải cần giảm nhanh chóng để giữ được mục tiêu 1,5 độ trong tầm kiểm soát.