Theo tạp chí Business Insider, hồi tháng 1-2023, Tesla công bố giảm giá đến 20% với hai dòng xe được yêu thích là Model 3 và Model Y. Từ đó đến nay hãng xe điện lớn nhất thế giới đã giảm giá thêm 5 lần nữa trước khi tăng nhẹ 2 lần.
Thiết lập chuẩn sạc xe điện Mỹ
Tăng sức cạnh tranh là động cơ dễ thấy trong chiến lược giá cả của Tesla. Ngày càng nhiều hãng xe bước vào cuộc đua xe điện, trực tiếp đe dọa thị phần của Tesla đang chiếm hơn 60% thị trường xe điện của Mỹ. Việc giảm giá cũng là nước đi kích cầu khi Tesla đối mặt với nhu cầu giảm và hàng tồn kho nhiều.
Tại Mỹ, sau nhiều lần điều chỉnh, giá mỗi chiếc Tesla Model Y bản tiêu chuẩn đã giảm từ 65.990 USD xuống còn 46.990 USD. Trừ thêm khoản hỗ trợ thuế của chính phủ, khách sẽ chỉ phải chi 42.500 USD cho chiếc SUV tầm trung này, rẻ hơn đến 5.200 USD so với giá trung bình một chiếc ô tô ở Mỹ.
Tesla cũng áp dụng những chính sách kích cầu tương tự ở Trung Quốc, do đó đã đẩy thị trường xe điện ở cả Mỹ và Trung Quốc vào cuộc chiến giá rất khốc liệt.
Sau 6 tháng giảm giá, doanh số của Tesla đã liên tục tăng mạnh trong hai quý đầu năm 2023 với hơn 888.000 xe bán được. Trong đó, doanh số quý 1-2023 là 422.875 xe, cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên việc giảm giá sâu đã làm biên lợi nhuận của công ty này giảm mạnh. Trong quý 1-2023, biên lợi nhuận của Tesla chỉ là 19,3%, thấp nhất kể từ quý 4-2020.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu công ty. Trong 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tesla chỉ là 2,9 tỉ USD, giảm đến 22% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ giảm còn cao hơn nhiều khi so với doanh thu hai quý cuối năm 2022.
Bất chấp điều đó, ông Elon Musk khẳng định vẫn sẽ tiếp tục giảm giá, khiến giá cổ phiếu Tesla giảm đến 9,75%, làm bốc hơi 13 tỉ USD của ông Musk chỉ trong một ngày.
Tuy nhiên Tesla đã lại hồi phục mạnh mẽ từ đầu tháng 5 vừa qua. Lúc này, nhờ các lần giảm giá, những ai mua các phiên bản của dòng Model 3 đều được hỗ trợ thuế lên đến 7.500 USD của chính phủ.
Cùng lúc, Tesla ký thỏa thuận cho phép nhiều hãng xe lớn như Ford và General Motors sử dụng trạm sạc của mình, vô hình trung biến chuẩn sạc của Tesla thành chuẩn sạc chung cho xe điện Mỹ. Nhờ đó giá cổ phiếu của Tesla liên tục tăng, đến nay đã tăng 161% so với ngày 1-1.
Đảo lộn thị trường xe điện
Tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, xe điện của các hãng nổi tiếng như Ford hay Volkswagen đều khó chen chân. Ngoài Tesla, hầu hết xe điện bán tại Trung Quốc đều do các công ty trong nước sản xuất, trong đó có nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) với nguồn lực hạn chế.
Việc Tesla giảm giá sâu buộc các hãng khác phải giảm theo. Nhiều start-up nhỏ đã trở thành nạn nhân đầu tiên và phá sản. Cùng với đó, không ít start-up từng có những thành công bước đầu giờ cũng đang điêu đứng.
Hãng xe NIO, từng được mệnh danh là "kẻ giết Tesla" của Trung Quốc, đã mất đến gần nửa doanh số trong tháng 4 và tháng 5 năm nay chỉ vì không giảm giá trong một thời gian dài. Việc xe điện giảm giá mạnh cũng khiến các hãng xe chạy xăng ở Trung Quốc phải cân nhắc làm theo để níu kéo khách hàng.
Trong khi đó ở Mỹ, nạn nhân chịu tổn hại nhiều nhất là dòng Mustang Mach-E của hãng Ford. Dù đã giảm giá các xe Mach E đến 5.900 USD mỗi chiếc, Ford vẫn không thể cạnh tranh được với Tesla.
Chỉ trong quý 1-2023, bộ phận xe điện của hãng này đã lỗ đến 700 triệu USD, phá vỡ ngưỡng biên lợi nhuận - 100%, có nghĩa Ford bán được bao nhiêu xe điện thì sẽ lỗ bấy nhiêu tiền.
Tuy nhiên thị trường xe điện Mỹ vẫn còn khá mới, chỉ chiếm 7% doanh số ô tô nước này trong năm 2022, nên chưa gây tác động nhiều đến tổng thể. Theo đó giá xe xăng ở Mỹ vẫn tiếp tục neo cao, ngang mức cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa các hãng xe truyền thống có thể ngồi yên khi xe điện nói chung và Tesla nói riêng đang ngày càng giành được nhiều thị phần hơn ở phân khúc xe hơi phổ thông.