Cuộc đua mới của giới yêu xe
Ngành công nghiệp xe điện đang mở ra một hệ sinh thái môi trường xanh và được Chính phủ nhiều nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt triển khai các chương trình thu hút đầu tư sản xuất. Ngoài ra, nhiều quốc gia trong khu vực cũng khuyến khích người dân chuyển đổi sang loại phương tiện này một cách rộng rãi hơn.
Dữ liệu từ Liên đoàn Ô tô Đông Nam Á cho thấy, doanh số bán ô tô tại Đông Nam Á đạt 2,79 triệu chiếc trong năm 2021, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó và một trong những động lực dẫn dắt đà tăng trưởng ấn tượng này chính là thị trường xe điện.
Theo các chuyên gia Dale Hardcastle, Francesco Cigala, Sharad Apte, là đối tác của Bain & Company ở các nước Đông Nam Á nhận định, thị trường ASEAN mang lại cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện. Bởi, các hãng sản xuất ô tô kỳ cựu sẽ tập trung vào những thị trường lớn, trọng yếu như Trung Quốc, châu Âu để phát triển xe điện trước và chưa dành nhiều quan tâm tới thị trường ở Đông Nam Á.
Hiện tại, đã có một số công ty trong khu vực Đông Nam Á cân nhắc sản xuất xe điện nội địa như: Dyson ở Singapore; Energy Absolute tại Thái Lan và tham vọng của nhà sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam - VinFast...
Là một trong những quốc gia cam kết về bảo vệ môi trường trước thế giới, Malaysia cũng đang thực hiện nhiều nỗ lực chuyển đổi xanh và điện hóa ngành giao thông.
Quốc gia này đang hướng tới việc điện hóa phương tiện cá nhân song song với phương tiện công cộng. Công ty startup EV Innovations chính là một doanh nghiệp Malaysia muốn nắm bắt cơ hội lớn này.
Là một công ty con của tập đoàn System Consultancy Services (SCS) - nhà cung cấp công nghệ thông tin và truyền thông địa phương - EV Innovations đã cho ra mắt nguyên mẫu xe điện MyKar 3.0 mới nhất của mình. Theo công ty, chiếc xe này được thiết kế dựa trên chiếc Axia của hãng Perodua - một trong những nhà sản xuất ô tô nội địa hàng đầu tại Malaysia.
Tuy nhiên, với thực tế Malaysia vốn sở hữu nền tảng công nghiệp vững chắc từ 2 nhà sản xuất ô tô nội địa là Perodua và Proton, những nỗ lực hiện tại của quốc gia này đối với xe điện dường như là chưa đủ so với tiềm năng vốn có của họ, nhất là khi so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Nhờ vào các mẫu ô tô của 2 tập đoàn trên, Malaysia ghi nhận tỷ lệ sở hữu ô tô cao top đầu trong Đông Nam Á ở ngưỡng 443 xe/1.000 dân.
Việt Nam nhập cuộc cùng Vinfast
Ngày 25/11/2022, Vinfast ghi nhận một cột mốc trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi chính thức xuất khẩu lô 999 xe điện VF8 sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, hãng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu mẫu VF8 sang thị trường Canada và châu Âu để bàn giao vào năm 2023.
Việc đưa xe điện Vinfast ra "biển lớn" cũng thể hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam. Trong một nỗ lực chung giảm phát thải khí carbon và khí methane, hiện thực hóa mục tiêu năm 2045, 100% xe mới bán ra tại Việt Nam là xe điện.
Được thành lập vào năm 2017, Vinfast định vị khởi đầu là nhà sản xuất ô tô chạy động cơ xăng. Nhưng cú ngoặt xe chiến lược nhiều bất ngờ hồi tháng 1/2022 đã đưa Vinfast vào cuộc đua những nhà sản xuất xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện.
Song song với tuyên bố chuyển sang xe điện, Vinfast công bố hàng loạt các dòng xe điện mới thuộc đủ các hạng xe A-B-C-D-E gồm Vinfast VF5, Vinfast VF6, Vinfast VF7, Vinfast VF8, Vinfast VF9 và Vinfast VF e34.
Hệ sinh thái xe điện tại Thái Lan
Tại Thái Lan – nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 tại châu Á đã bắt đầu đưa ra chính sách thúc đẩy sản xuất xe năng lượng sạch từ năm 2017. Năm 2022, Thái Lan tiếp tục tiến thêm một bước nữa khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống 2%, và thuế nhập khẩu xe điện nguyên chiếc chỉ từ 0-40% cho tới năm 2023.
Energy Absolute hiện đang là một trong những nhà sản xuất điện tái tạo lớn nhất ở quốc gia này. Bằng cách đầu tư vào lĩnh vực lưu trữ pin và xe điện, tập đoàn này hy vọng chiếm được thị phần lớn trong thị trường xe điện tiềm năng của Thái Lan và thiết lập nên một hãng xe điện nội địa.
Ngoài Energy Absolute, công ty năng lượng quốc doanh của Thái Lan là PTT PCL cũng sẽ hợp tác với Foxconn trong việc sản xuất xe điện bằng cách thành lập liên doanh Horizon Plus. Theo thông tin từ hãng thông tấn National Thailand, liên doanh này sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện mới tại khu vực Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan.
Trong trung hạn, Thái Lan đang đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm tối thiểu 30% tổng lượng xe bán ra của nước này vào năm 2030.
Hướng đi khác của các nước Đông Nam Á
Chuyên gia Bain & Company cũng cho rằng, đa phần thị trường khu vực sẽ không phát triển theo hướng giống như các nước châu Âu, trong đó lấy xe hơi cá nhân làm mục tiêu chuyển đổi đầu tiên.
Trong cuộc cách mạng điện hóa vận tải đường bộ, các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể chọn cách chú trọng vào các loại phương tiện điện khác như xe máy, phương tiện công cộng rồi mới đến xe hơi.
Chẳng hạn tại Singapore, sẽ rất khó bắt gặp một chiếc xe hơi cá nhân chạy bằng điện tại đây nhưng tìm một chiếc taxi chạy bằng điện lại dễ dàng.
Ngoài ra, ASEAN còn là thị trường xe máy điện lớn nhất trên thế giới, dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm 3%/năm đến hết năm 2030. Hiện tại, cả Indonesia và Việt Nam - những thị trường lớn cho xe 2 bánh - đều cân nhắc thúc đẩy sử dụng rộng rãi xe đạp và xe máy điện.
Trong đó tại Indonesia, quốc gia này đang thực hiện mục tiêu biến Indonesia thành một trung tâm xe điện của thế giới. Vậy nên Indonesia đang thu hút đầu tư từ nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới, không chỉ về mảng sản xuất mà còn ở mảng pin xe điện, do quốc gia này muốn tận dụng lợi thế tài nguyên nickel phong phú của mình - một kim loại quan trọng trong quá trình sản xuất pin xe điện.
Indonesia cũng chú trọng xây dựng hệ sinh thái xe điện nội địa và tập đoàn Indika Energy chính là một trong những cái tên đi tiên phong. Vốn là một tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực nhưng chủ yếu là khai thác than, Indika Energy đang thực hiện nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa doanh thu của mình khỏi nguồn năng lượng hóa thạch.