ASIA

27-05-2024 11:20
Thiếu các mẫu xe rẻ khiến mục tiêu phát triển xe điện của Malaysia gặp khó Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim mong muốn 15% phương tiện giao thông lăn bánh trên đường phố Malaysia vào năm 2030 là xe điện (EV). Nhưng việc thiếu các mẫu xe rẻ hơn có thể cản trở mục tiêu này
Gian hàng trưng bày xe ô tô mang thương hiệu Proton, thương hiệu nổi tiếng của Malaysia tại triển lãm. Ảnh: Hằng Linh - PV TTXVN tại Kuala Lumpur

Theo nhà báo Malaysia Joseph Sipalan, các giám đốc điều hành của những nhà cung cấp xe điện Malaysia cho rằng trợ cấp, tăng cường cơ sở hạ tầng sạc và tung ra các phiên bản giá cả phải chăng hơn là chìa khóa để thúc đẩy những người mua nhạy cảm với chi phí thực hiện việc chuyển đổi phương tiện đi lại.

Các nhà điều hành ngành công nghiệp ô tô cho biết nhu cầu EV ở Malaysia sẽ trì trệ trong năm 2025, vì những người giàu đã mua ô tô mới nhưng phần lớn phải vật lộn với giá cao và nỗi lo sợ dai dẳng về các điểm sạc pin hạn chế, khiến cho quyết định chuyển đổi trở nên khó khăn.

Thị trường ô tô Malaysia chứng kiến sự bội thu vào năm 2023 với tổng doanh số tăng gần 11%/năm. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Malaysia (MAA), EV chỉ chiếm 10.159 chiếc, tức là hơn 1%, trong tổng số gần 800.000 phương tiện mới được bán ra thị trường năm 2023. Kỹ sư cấp cao của Smart Malaysia, David Tiah, một trong số hàng chục nhà sản xuất ô tô đang kêu gọi chào hàng EV tại Triển lãm ô tô Malaysia 2024, cho biết doanh số bán hàng đã bị đình trệ.

Ông nhận định điều quan trọng nhất đối với người tiêu dùng là EV giá cả phải chăng. Nhiều người nói rằng họ sẽ mua một chiếc EV nếu giá cả nằm trong khoảng từ 14.941 - 17.066 USD/chiếc. Chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là chuyển 15% tổng số phương tiện giao thông lăn bánh trên đường phố ở Malaysia vào năm 2030 sang EV, như một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm thu hút các thương hiệu bao gồm cả Tesla thiết lập cơ sở sản xuất tại nước này.

Sản phẩm xe điện của thương hiệu ôtô Perodua giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Hằng Linh - PV TTXVN tại Kuala Lumpur

Chi phí chuyển đổi sang EV hiện cũng là một vấn đề nhức nhối trong khu vực. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), các nhà sản xuất EV lớn ở Trung Quốc, thị trường EV lớn nhất thế giới, doanh số bán hàng đã sụt giảm mạnh trong quý đầu tiên của năm 2024, khi lượng giao hàng giảm 31%/năm xuống còn 1,76 triệu chiếc cho xe hybrid thuần điện và plug-in.

Sự trượt giá đã gây ra cuộc đua về giá xe điện ở Trung Quốc, dẫn đầu bởi BYD – nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước này – sau khi BYD báo cáo doanh số bán hàng trong quý đầu năm 2024 giảm 43%.

Công ty đã giảm giá gần như tất cả các loại ô tô của mình từ 5 - 20% kể từ giữa tháng Hai năm nay. Báo cáo tháng 4/2024 của Goldman Sachs cho rằng động thái mạnh mẽ của BYD đã dẫn đến việc các đối thủ cạnh tranh phải giảm giá trên diện rộng, trung bình khoảng 10% cho 50 mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu.

Thái Lan, trung tâm ô tô của Đông Nam Á, đã báo cáo mức tiêu thụ EV tăng 684% vào năm 2023, với tổng doanh số là 78.314 chiếc so với 9.729 chiếc của năm 2022. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này phụ thuộc rất nhiều vào các khoản trợ cấp hào phóng và giảm thuế đối với EV chở khách, đồng thời vẫn chiếm một phần trăm nhỏ trong tổng số 44 triệu phương tiện được đăng ký tại vương quốc này.

Ông David Tiah của Smart Malaysia thừa nhận rằng hầu hết EV tại thị trường Malaysia vẫn thuộc phân khúc cao cấp. Sản phẩm số 1 của công ty – sản phẩm EV hàng đầu của Mercedes-Benz và liên doanh Geely của Trung Quốc – có giá khởi điểm 36.266 USD và phục vụ chủ yếu cho những người đam mê xe hơi.

Tuy nhiên, đây là lúc chính phủ cần tăng cường tuyên truyền để giúp thuyết phục công chúng về lợi ích của việc chuyển sang EV, như giảm ô nhiễm ống xả ở các thành phố, vì các lựa chọn rẻ hơn cuối cùng sẽ được tung ra thị trường.

Theo đại diện của một thương hiệu Trung Quốc, tính chất cao cấp của EV hiện có trên thị trường cũng thu hẹp cơ sở khách hàng xuống một phân khúc nhỏ là những người giàu có, muốn tìm kiếm chiếc xe thứ hai hoặc thứ ba.

Cơ sở hạ tầng sạc đầy đủ cũng cần được triển khai để giải quyết nỗi lo về phạm vi sạc với nỗi lo rằng chiếc xe của họ sẽ không có đủ sạc để đến điểm đích.

Vị đại diện này nhấn mạnh rằng đây là vấn đề “con gà và quả trứng”, cho dù muốn xây dựng cơ sở hạ tầng dựa trên nhu cầu hay sử dụng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nhu cầu. Điều này thực sự phụ thuộc vào các ưu đãi của chính phủ và rất nhiều sự thúc đẩy của cả chính phủ và các bên trong ngành.

Năm 2023, Chính phủ Malaysia đã đặt mục tiêu cho Perodua, nhà sản xuất ô tô nội địa lớn nhất Malaysia tính theo doanh số bán hàng và thương hiệu địa phương Proton, sẽ giới thiệu EV nội địa vào năm 2025 nhằm giúp đạt được mục tiêu thâm nhập 15% vào năm 2030 của chính phủ.

Giám đốc điều hành Perodua, Zainal Abidin Ahmad, cho biết: “Thời điểm chúng tôi tung ra thị trường chiếc xe của mình, tôi nghĩ những hãng khác sẽ giảm giá, vì vậy mọi người sẽ bắt đầu mua”.

Ông nói thêm rằng quá trình phát triển EV đang được tiến hành 60% và mẫu xe mới dự kiến sẽ được bán ra thị trường với giá dưới 21.202 USD.

Connect with us