Trong khi nhiều thương hiệu ô tô trên thế giới dồn toàn lực tham gia vào cuộc đua sản xuất xe thuần điện, Toyota vẫn kiên định chọn cho mình một cách đi riêng. Với nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản, hành trình hướng đến giảm phát thải, trung hòa carbon đòi hỏi nhiều giải pháp hơn thay vì đặt cược hoàn toàn vào một loại hình công nghệ.
Công trường ngổn ngang của xe điện
"Khi nhiều chính trị gia kêu gọi các hãng xe, rằng hãy loại bỏ tất cả ô tô chạy xăng, dầu. Họ có hiểu điều này là như thế nào không?", ông Akio Toyoda, cựu chủ tịch Tập đoàn Toyota phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm 2020 ở quê nhà, theo The Wall Street Journal.
Câu hỏi của vị sếp đứng đầu hãng xe có doanh số cao nhất toàn cầu (2020) một lần nữa đặt ra những vấn đề hiện hữu của xe điện.
Gần 10 năm trước, Toyota đã trình làng mẫu Mirai chạy điện sử dụng pin nhiên liệu nạp khí hydro. Sớm hơn, vào 1997, chiếc Toyota Prius dùng động cơ kết hợp xăng và điện (hybrid) đã bán ra toàn cầu. Doanh số cộng dồn của xe Toyota hybrid đến nay khoảng hơn 20 triệu chiếc, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào trong ngành, giảm 160 triệu tấn khí thải C02, tiết kiệm 65 triệu kilolit xăng.
Những ví dụ trên cho thấy rằng, xe xanh, khái niệm nói chung cho các dòng xe giảm phát thải khí CO2, đã được Toyota đầu tư và ứng dụng thực tiễn từ sớm.
Giảm phát thải carbon là một quá trình cần được tính đến cả vòng đời một chiếc xe. Nghĩa là từ khâu sản xuất nguyên liệu, lắp ráp thành phẩm, sử dụng và tái chế chiếc xe đều đòi hỏi nỗ lực để giảm khí độc hại ra môi trường. Công đoạn tạo ra điện năng cung cấp cho các trạm sạc của xe điện, khai thác kim loại hiếm chế tạo pin… vẫn có thể tạo ra các tác động đến môi trường.
Những bất cập của xe điện không chỉ ở khía cạnh tạo ra khí thải từ quá trình sản xuất vốn ít được nhìn thấy ở góc độ người tiêu dùng, mà còn là sự phù hợp, điều kiện sử dụng ở mỗi thị trường khác nhau.
Chưa kể với công nghệ chế tạo pin hiện nay, giá thành một số xe điện cao hơn xe xăng cùng phân khúc. Bên cạnh đó, tầm hoạt động còn thấp của xe điện nói chung vẫn là một trong những trở ngại khiến một bộ phận người dùng băn khoăn.
Phiên bản "tắc kè hoa" Toyota
Định hướng xe xanh của Toyota là nhiều giải pháp. Hãng cho rằng cách tiếp cận xe xanh cần cởi mở với nhiều lựa chọn thay vì tập trung hoàn toàn một công nghệ nào đó, ví dụ xe điện chẳng hạn. Điều này phản ánh bằng dải sản phẩm đa dạng của Toyota, vừa có xe xăng, dầu, vừa có xe điện dùng pin, hydro hay xe hybrid…
Với xe điện, Toyota đặt ra mục tiêu giới thiệu 30 mẫu xe điện vào năm 2030 với tổng vốn đầu tư lên đến 70 tỷ USD, theo Reuters.
Toyota cũng tích cực nghiên cứu các công nghệ mới để đa dạng hóa các lựa chọn. Ví dụ, một xe động cơ đốt trong chạy khí hydro dạng nguyên mẫu có tên Corolla Cross H2 Concept đang được hãng thử nghiệm.
Công nghệ pin hydro cho phép xe vận hành xa hơn, tiếp nhiên liệu nhanh hơn xe điện. Nếu được ứng dụng thương mại, công nghệ này cho phép hãng giảm bớt phụ thuộc vào xe điện. Đồng thời, có thể giảm đáng kể việc sử dụng các kim loại hiếm có nguồn cung hạn chế như lithium và nickel, những vật liệu quan trọng không thể thiếu trong pin xe điện.
Ngay tại Việt Nam, Toyota cũng đang tích cực nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nhiên liệu sinh học trên dòng xe động cơ đốt trong (ICE) và xe công nghệ xăng lai điện hybrid (HEV). Đây được xem là tiền đề cho hành trình xanh hóa xe xăng.
Kết quả giai đoạn 1 của dự án này mới được công bố hồi đầu tháng 8 tại Hà Nội. Theo đó, trong điều kiện nội đô cao điểm, xăng sinh học giúp xe hybrid giảm đáng kể lượng tiêu thụ nhiên liệu so với xăng thông thường. Bên cạnh đó, xe hybrid tiêu thụ nhiên liệu ít hơn và giảm phát thải rõ rệt hơn xe xăng truyền thống.
Hybrid vẫn là thế mạnh của Toyota và đang được hãng tiếp tục đẩy mạnh. Sau Corolla Cross, Corolla Altis, Camry, mẫu xe hoàn toàn mới sắp xuất hiện vào tháng 9 là Yaris Cross cũng có lựa chọn hybrid.
Không chỉ là các sản phẩm cơ khí, chiến lược về bảo vệ môi trường bằng hành động của con người được Toyota Việt Nam triển khai đồng bộ từ nhà máy đến đại lý hay nhà cung cấp. Tất cả nhằm mục đích thực hiện 6 thách thức môi trường mà Toyota toàn cầu đã đề ra, chung tay hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.