Vào tháng 3 vừa qua, Thái Lan đã công bố danh sách số lượng đăng ký xe điện tại thị trường này. Bản thống kê thể hiện sự thống trị của các nhà sản xuất EV Trung Quốc. Trong top 3 thương hiệu hàng đầu, chỉ có duy nhất Tesla Model Y không đến từ quốc gia tỷ dân. Dẫn đầu danh sách là dòng xe Atto 3 của BYD, với 2068 lượt đăng ký. Theo sau là Neta V của Hozon với 1254 lượt đăng ký vào tháng 2/2023. Những con số này vượt xa so với 543 lượt đăng ký của Model Y.
Theo KrAsia, BYD và Neta Motors đều đưa ra thông báo vào ngày 10/3/2023 liên quan đến các dự án sản xuất ô tô điện của hãng tại Thái Lan. Những động thái này cho thấy xu hướng đặt trọng tâm ngày càng tăng ở Thái Lan và Đông Nam Á của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc.
Trước đây, các công ty ô tô Trung Quốc như SAIC, Great Wall, BYD và NIO chủ yếu chỉ xuất khẩu xe sang châu Âu. Tuy nhiên, xu hướng đã thay đổi do nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng Thái Lan và các chính sách hỗ trợ xe điện của chính phủ nước này.
GIÀNH ĐƯỢC THỊ PHẦN TẠI THÁI LAN
Một trong những nhà sản xuất ô tô nội địa Trung Quốc thành công sớm nhất tại Thái Lan là SAIC. Năm 2012, công ty thành lập liên doanh với Tập đoàn CP nổi tiếng và thương hiệu MG chính thức gia nhập thị trường này từ năm 2014. Dữ liệu thời điểm đó cho thấy có tới 31.005 mẫu xe MG đã được bán ra, đưa dòng xe vào top 10 thương hiệu xe hơi hàng đầu Thái Lan.
Tiếp sau đó, Great Wall Motor gia nhập thị trường vào năm 2021. Các mẫu xe ORA của hãng trở nên phổ biến đến mức nhiều đại lý xe tại Bangkok đã phải vật lộn để theo kịp nhu cầu khách hàng. Từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2022, Great Wall Motor đã bán được hơn 8000 chiếc EV, biến hãng trở thành thương hiệu xe năng lượng mới có doanh số cao nhất tại quốc gia này.
Được biết, Great Wall Motor đã giới thiệu một số mẫu xe tại thị trường Thái Lan, bao gồm Haval H6 HEV, JOLION HEV và ORA.
Trước đây, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chủ yếu chỉ thông qua M&A để mở rộng quy mô kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, hiện giờ, các công ty này đang tận dụng cơ hội để khám phá chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô thông qua một số cách tiếp cận mới như tập trung vào công nghệ, dịch vụ và xây dựng thương hiệu.
NHÀ SẢN XUẤT EV TRUNG QUỐC NHÌN THẤY TIỀM NĂNG Ở THÁI LAN
EV100 PLUS, một tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc chuyên nghiên cứu về xe điện, kết luận rằng các nhà sản xuất ô tô nước này đánh giá cao thị trường rộng lớn, ưu đãi hào phóng và chính sách thuận lợi mà Thái Lan cung cấp.
Là nhà sản xuất ô tô lớn nhất và thị trường bán ô tô lớn thứ hai ASEAN, Thái Lan cũng là nước xuất khẩu ô tô lớn thứ ba châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản và Hàn Quốc, tương đương hơn một nửa số ô tô sản xuất trong nước được xuất khẩu.
Theo thống kê từ Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, 1,88 triệu mẫu xe đã được sản xuất tại quốc gia này trong năm 2022, trong đó 840.000 chiếc rao bán trong nước và 1 triệu chiếc xuất khẩu. Trung tâm nghiên cứu Vision Thai dự đoán rằng quy mô thị trường chung cho xe điện - xe tích hợp có khả năng đạt 50.000 xe vào năm 2023, tăng 270% so với 13.454 xe năm 2022.
Cách bố trí và năng lực sản xuất của các nhà máy ô tô ở Thái Lan cho thấy chuỗi cung ứng nước này đang tăng trưởng mạnh mẽ. Bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào hoạt động tại Thái đều có thể mua hầu hết bộ phận máy móc cần thiết ở địa phương, giúp giảm đáng kể chi phí hậu cần.
Chính sách liên quan đến xe điện của chính phủ Thái Lan cũng cung cấp nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Trong nỗ lực trở thành trung tâm sản xuất và cơ sở xuất khẩu xe điện Đông Nam Á, Thái Lan đã xây dựng chính sách được gọi là "30@30". Sáng kiến kêu gọi tỷ lệ dịch chuyển sang xe điện trong nước phải trên 30% đồng thời năng lực sản xuất xe năng lượng mới phải trên 30% vào năm 2030.
Ngoài kế hoạch nêu trên, chính phủ Thái Lan hiện đang cung cấp một số hình thức hỗ trợ khác cho thị trường xe điện. Ví dụ, Hội đồng Đầu tư Thái Lan miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty EV trong tối đa 8 năm. Bộ Tài chính Thái Lan đã đầu tư 2,9 tỷ baht (khoảng 85,5 triệu USD) như một phần trợ cấp mua ô tô nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua và lái xe điện. Về chuỗi ngành công nghiệp pin, hiện có 18 dự án đang được tiến hành ở xứ sở chùa vàng liên quan đến sản xuất pin, sản xuất mô-đun và lắp ráp mô-đun.
QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÁC NHÀ SẢN XUẤT EV TRUNG QUỐC
Deloitte đã nêu trong một báo cáo có tiêu đề “Bước nhảy vọt từ ra nước ngoài sang toàn cầu hóa: Đường cong tăng trưởng thứ 2 cho các OEM Trung Quốc” rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã thực hiện quá trình chuyển đổi suốt thập kỷ qua từ cách tiếp cận tập trung vào "xuất khẩu sản phẩm" sang "toàn cầu hóa chuỗi giá trị". Tức là, các công ty đang khám phá thị trường nước ngoài thông qua chuỗi giá trị đầy đủ, bao gồm R&D, sản xuất, hậu cần và vận tải hay tài chính ô tô.
Tại Diễn đàn EV 100 Trung Quốc được tổ chức vào đầu tháng 4/2023, ông An Conghui, Chủ tịch Tập đoàn Geely Holding kiêm Giám đốc điều hành ZEEKR (Intelligent Technology), tuyên bố rằng ngành công nghiệp xe năng lượng mới của Trung Quốc đã trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế nhờ nỗ lực đầu tư của chính phủ trong hơn một thập kỷ. Ông cho rằng việc thăm dò quy mô lớn các thị trường nước ngoài có thể giúp kích thích hơn nữa sự đổi mới và tăng trưởng.
Mặt khác, ông Deng Chenghao, Giám đốc điều hành Deepal Motor, chia sẻ tại EV100 PLUS rằng người tiêu dùng ở Đông Nam Á có thói quen tiêu dùng tương tự như người tiêu dùng ở Trung Quốc và dĩ nhiên thị trường Đông Nam Á có tiềm năng lớn.
Triển vọng khám phá thị trường nước ngoài là tốt, nhưng các công ty EV vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Trước khi Đông Nam Á được chú ý, châu Âu là một điểm nóng đối với xe điện, khiến nhiều nhà sản xuất ô tô phải cạnh tranh để giành thị phần đó. Tuy nhiên, sau một năm phát triển, hầu hết các nhà sản xuất ô tô vẫn chưa tìm ra con đường phát triển khả quan.
Khám phá các cơ hội ở thị trường Đông Nam Á cũng có những thách thức riêng. Ví dụ, nhiều quốc gia ASEAN sử dụng hệ thống tay lái bên phải. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc phải tùy chỉnh khung gầm và một vài thành phần khác, điều chỉnh dây chuyền sản xuất, phát triển khuôn mẫu mới, tất cả có thể tiêu tốn hàng triệu USD.
Riêng đối với Thái Lan, ô tô Nhật Bản chiếm khoảng 90% thị phần trong khi xe chạy bằng xăng chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường. Là những người chơi đầu tiên gia nhập thị trường Thái Lan, nhiều nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng nắm giữ quyền lực đáng kể đối với chuỗi công nghiệp ô tô, kênh đại lý, nhà cung cấp phụ tùng thượng nguồn và hạ nguồn cùng các chuỗi cung ứng sản xuất khác.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC CHỖ ĐỨNG VỮNG CHẮC?
Các công ty Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tốc và vượt qua những cái tên sừng sỏ đến từ đất nước mặt trời mọc.
Để đạt được điều này, nhiều công ty Trung Quốc phải đưa ra thị trường mức giá cạnh tranh nhằm thu hút các người dùng xe xăng. Ngoài ra, tăng cường đầu tư vào R &D cũng cần thiết để nâng cao chất lượng sản phẩm và công nghệ.
Bên cạnh các công nghệ cốt lõi, giải pháp bản địa hóa nên được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của khách hàng địa phương. Tức là, các sản phẩm chiến lược khác nhau nên được phát triển và điều chỉnh để phù hợp với các thị trường khác nhau theo mô hình cụ thể. Cuối cùng, các nhà sản xuất Trung Quốc cần đẩy nhanh dự án xây dựng trạm sạc để cải thiện cơ sở hạ tầng. Cho đến khi nút thắt này được giải quyết, ROI cho EV vẫn sẽ cực kỳ thấp.
Thị trường rộng lớn của Thái Lan, chuỗi cung ứng ô tô tiềm năng và các chính sách hỗ trợ cho xe điện đều góp phần vào sự tăng trưởng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại nước này. Sự thành công của việc xoay trục từ châu Âu sang thị trường Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng địa phương.