ASIA

06-01-2023 14:57
XE ĐIỆN CỠ NHỎ, XU HƯỚNG MỚI TẠI CHÂU Á NĂM 2023 Nhiều người dùng mong muốn sở hữu một chiếc xe thân thiện với môi trường, tích hợp công nghệ mới đang có xu hướng lựa chọn các mẫu xe điện cỡ nhỏ, sạc siêu nhanh và đặc biệt là giá rẻ.

Một nghiên cứu của AutoForecast Solutions (Mỹ) cho thấy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 có khả năng bước vào giai đoạn suy thoái, tiến trình điện khí hóa tại các quốc gia có thể bị chậm lại so với kế hoạch. Người dân sẽ thắt chặt chi tiêu hơn, các mẫu xe điện đạt doanh số bán hàng trên 50.000 chiếc/năm sẽ rất ít ỏi (tỷ lệ dưới 20% tại thị trường Bắc Mỹ).

Kinh tế suy thoái cũng sẽ khiến nguồn cung linh kiện tiếp tục khó khăn, cùng với sự phát triển mang tính cục bộ của các nhà sản xuất pin xe điện sẽ đẩy giá thành một chiếc ô tô điện tiếp tục tăng cao. Cụ thể, đối với các nguyên liệu chính cấu thành pin xe điện, Nga đang cung cấp khoảng 20% ​​niken trên thế giới (theo WSJ), Trung Quốc đóng góp khoảng 80% sản lượng lithium-ion toàn cầu.

Do ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến tình hình nguồn cung linh kiện tiếp tục bị thiếu hụt, khiến giá thành sản xuất pin xe điện tăng mạnh. Điều này khiến ước mơ sở hữu xe điện trong đại đa số người dân, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển ở Châu Á ngày càng trở nên xa vời.

Mặc dù vậy, điểm tích cực đó là sản lượng xe điện toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2023, 2024 và ngày càng chiếm tỷ lệ lớn so với toàn ngành ôtô. Đây cũng là hai năm “bứt tốc” dành cho các quốc gia đã hoàn thành giai đoạn đầu của tiến trình điện khí hóa như Mỹ, Na Uy, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, 2035 hay 2050, tùy thuộc chính sách của từng quốc gia là điều tất yếu. Ngoài ra, nhu cầu đi lại của người dân toàn cầu ngày càng tăng mạnh do các chính sách nới lỏng sau đại dịch Covid-19 là một “cú hích” rất lớn đối với ngành công nghiệp ôtô nói chung và xe điện nói riêng. Do đó, thị trường xe điện sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2023, nhưng sẽ có sự phân hóa nhất định.

Tại các nước đang phát triển ở Châu Á, có hai yếu tố chính tác động đến quyết định sở hữu xe điện của người dùng, đó là giá cả và trạm sạc. Ấn Độ là một trong hai “công xưởng của thế giới” (chỉ sau Trung Quốc), nhưng sự phát triển của lĩnh vực xe điện lại chưa tương xứng với tiềm năng và tỷ trọng của toàn ngành công nghiệp ôtô. Tata Motor, hãng xe đang chiếm 88% thị phần tại quốc gia này cũng đã đặt mục tiêu đạt 30% tỷ lệ sử dụng xe điện vào năm 2030. Để phát triển thị trường trong bối cảnh hạ tầng trạm sạc còn rất hạn chế, Tata Motor, MG Ấn Độ và một số hãng xe khác cùng đưa ra chiến lược ra mắt các sản phẩm xe điện cỡ nhỏ, pin nhỏ, đồng nghĩa với việc giá thành rẻ và thời gian sạc pin ngắn.

Cụ thể, Tata Motor đã chào bán 2 mẫu xe điện mới nhất là Tigor EV và Nexon EV với mức giá từ 1.249.000 - 1.375.000 Rupee (tương đương 354,5 - 390,2 triệu đồng). Hai mẫu xe cùng sử dụng bộ pin lithium-ion 26 kWh, sạc thường 100% trong 7,5-8,5 giờ, quãng đường di chuyển tối đa 312-315 km.

MG thậm chí còn ra mắt mẫu xe MG 4 EV với giá chỉ từ 1.000.000 Rupee (tương đương 284 triệu đồng) tại thị trường Ấn Độ. Mẫu xe này sở hữu hai lựa chọn pin 51kWh và 64 kWh, thời gian sạc thường 100% từ 7,5-9 giờ, sạc nhanh 80% chưa đến 40 phút, quãng đường di chuyển tối đa 350-452 km.

Tại Việt Nam, ngoại trừ các sản phẩm xe điện Vinfast đã đến tay người dùng như VF e34, VF 8 và sắp tới là VF 9, VF 5 Plus, rất khó để lựa chọn một sản phẩm xe điện trong khoảng giá dưới 1 tỷ đồng. Một số mẫu xe cỡ nhỏ đã ra mắt, nhưng chưa chốt ngày bàn giao đến khách hàng. Một số mẫu xe khác chỉ được giới thiệu, sau đó lại “bỏ ngỏ” khả năng chào bán tại Việt Nam.

Tương tự tại thị trường Ấn Độ, người dùng Việt còn khá lăn tăn khi lựa chọn chuyển từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe điện. Lý do chính là giá thành còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cùng với nỗi lo xe hết điện khi đang lưu thông do hạ tầng trạm sạc chưa phát triển.

Một số phân tích đã chỉ ra, trong tiến trình điện khí hóa, việc chạy đua về công nghệ, hiệu năng, kéo dài quãng đường di chuyển chưa hẳn đã là một chiến lược hiệu quả. Thay vào đó, đối với những quốc gia chưa có hệ thống hạ tầng trạm sạc đạt chuẩn, xe hybrid sẽ có lợi thế hơn so với xe chạy hoàn toàn bằng pin. Đồng thời, một chiếc một chiếc xe điện cỡ nhỏ với khả năng sạc nhanh sẽ tối ưu hơn một chiếc xe sở hữu khối pin lớn. Pin nhỏ gọn cũng giúp giảm giá thành chiếc xe một cách đáng kể so với đa số xe điện ở thời điểm hiện tại.

Theo Tiến sĩ Halle Cheeseman, Giám đốc Chương trình tại ARPA-E (trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ), lợi thế của xe nhỏ có thể thấy rõ khi so sánh hai chiếc xe điện di chuyển từ Orlando đến Washington, D.C. với quãng đường hơn 1.300 km. Một chiếc xe điện tiêu chuẩn có phạm vi hoạt động 482km, sạc nhanh 100% sau 1 giờ; chiếc còn lại có pin nhỏ bằng ½, phạm vi hoạt động 241km, sạc nhanh 100% trong 15 phút. Sau khi cộng thêm cả thời gian lên xuống đường cao tốc, chiếc xe thứ hai, với tốc độ sạc nhanh gấp 4 lần đã đánh bại chiếc xe tiêu chuẩn.

Trên thực tế, một số hãng xe cũng đã hiện thực hóa một phần chiếc lược phát triển các mẫu xe điện cỡ nhỏ. Ford đang có kế hoạch phát hành một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ với phạm vi hoạt động khoảng 320km trong một lần sạc, giá khởi điểm từ 20.000 USD. Geely Auto (Trung Quốc) cũng vừa giới thiệu một mẫu xe điện tí hon với tên gọi Geely Panda Mini EV, giá quy đổi chỉ dưới 170 triệu đồng.

Mới đây, Qingdao Hongri Automobile cũng vừa hoàn tất đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho một mẫu xe điện cỡ nhỏ mang tên Honri Boma tại Việt Nam. Theo đó, mẫu xe này có thiết kế phần đầu xe khá giống với Toyota Alphard, được trang bị động cơ điện và pin 30 kWh, phạm vi di chuyển khoảng 200 km.

Connect with us