Các startup xe điện Mỹ dự kiến công bố báo cáo kinh doanh quý trong tuần tới, với khoản tiền mặt dự trữ ngày một teo dần, gây áp lực lên một nhóm các công ty đang nỗ lực tăng sản lượng và có ít lựa chọn để gọi vốn trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Phát hành cổ phiếu với hy vọng tạo rung chấn trong toàn ngành, những công ty này lại chứng kiến giá trị thị trường của bản thân bốc hơn trong vài tháng qua khi nhu cầu xe điện chậm lại và "kẻ dẫn đầu" là Tesla giảm giá bán để thúc đẩy doanh số.
Khoản tiền mặt dự trữ của Lucid - hãng xe có trụ sở ở California - giảm đáng kể ở mức 36% theo Visible Alpha, hãng phân tích thị trường Mỹ. Trong khi Rivian - cũng ở California - cũng giảm 6,8% so với quý trước. Fisker và Nikola dự kiến đều giảm, với các mức tương ứng ước tính 5% và 15%.
Việc các công ty bị đánh giá thấp đi ảnh hưởng đến cổ phiếu và khiến các nhà đầu tư càng trở nên không hài lòng.
Lordstown - trụ sở ở Ohio - cho biết có thể phải đệ đơn xin phá sản do tình trạng bấp bênh trong lần thỏa thuận với cổ đông chính là Foxconn. Khoản tiền dự trữ của Lordstown dự kiến giảm 11%.
Một số hãng khởi nghiệp trong số này, gồm Lucid và Rivian, đều nói họ có thể không cung cấp dữ liệu về khoản tiền mặt dự trữ do có thể gây ra những lo ngại đối với các nhà đầu tư.
Đó là một "quá trình phát triển xáo trộn", theo nhà phân tích Garrett Nelson của CFRA Research. "Những gì chúng ta đang chứng kiến là một xu hướng kém minh bạch trong việc tính toán khoản dự trữ, nhưng cuộc chạy đua tổng thể mới là vấn đề lớn", Nelson nói thêm.
Tuy nhiên, không chỉ các startup xe điện mới đang đốt tiền. Tuần qua, thương hiệu ôtô lâu đời của Mỹ là Ford cũng lần đầu tiên công bố kết quả kinh doanh của dòng xe chạy pin, với khoản lỗ 3 tỷ USD trong hai năm qua.