Tính độc quyền tương đối và tính mới mẻ khiến việc sửa xe điện, kể cả những lỗi nhỏ nhất, cũng trở nên hết sức tốn kém, đặc biệt là pin. Điều đó khiến nhiều công ty bảo hiểm không nhận bảo vệ những chiếc xe điện dù chỉ mắc lỗi nhỏ.
Theo Reuters, các công ty bảo hiểm và thợ cơ khí phàn nàn rằng không có cách kiểm tra pin xe điện đơn giản nào, ảnh hưởng đến việc xác định lỗi thuộc về ai một khi xảy ra tai nạn hay có những sự cố khác.
Do đó, các công ty bảo hiểm không muốn mạo hiểm. Và họ chọn cách đơn giản nhất là tăng chi phí bảo hiểm cho xe điện. Theo Carscoops, trung bình chi phí bảo hiểm ô tô ở Mỹ nay đã cao hơn 27% so với xe động cơ đốt trong.
Để thay đổi điều này, các công ty bảo hiểm yêu cầu các nhà sản xuất ô tô cởi mở trong việc chia sẻ quyền truy cập dữ liệu để việc xác định lỗi, cũng như sửa chữa trở nên dễ dàng hơn.
Một số hãng đã phản hồi. General Motors, Ford và Nissan tuyên bố họ đã phát triển công nghệ để có thể sửa xe điện dễ dàng hơn. General Motors cho biết pin Ultium mới nhất của họ được thiết kế để sửa chữa ở cấp độ mô-đun, tức là sửa sẽ dễ dàng và “ít tốn kém hơn đáng kể”, không cần phải thay cả bộ pin. Ngoài ra, điều này cũng cho phép bên thứ ba dễ dàng tìm hiểu.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sản xuất ô tô đều như vậy. Tesla, nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Mỹ, đang đầu tư vào công nghệ pin mới dạng “đóng gói”. Theo chuyên gia ô tô và cố vấn sửa chữa Sandy Munro, hoàn toàn không có cách nào sửa bộ pin xe điện này, có lỗi là vứt đi.
Điều đó không chỉ khiến chủ xe tốn kém, công ty bảo hiểm khó làm việc, mà còn gây hại cho môi trường. Bộ pin không chỉ là phần đắt nhất của xe điện, mà còn là bộ phận sử dụng nhiều kim loại hiếm nhất, “xả thải” nhiều nhất (tính cả quá trình sản xuất và xử lý sau khi đã hỏng).
Christoph Lauterwasser, giám đốc Trung tâm Công nghệ Allianz, nói với Reuters: “Các vụ sửa chữa sẽ tăng lên, vì vậy xử lý pin như thế nào rất quan trọng. Nếu vứt luôn mà không sửa chữa gì, xe điện chẳng có ý nghĩa bảo vệ môi trường vốn có nữa”.
Để xe điện sinh thái hơn so với xe đốt trong, chúng phải đi quãng đường dài để lượng khí thải bằng 0 bù đắp cho lượng khí thải trong quá trình sản xuất. Nhưng với việc pin dễ dàng bị vứt vào bãi phế liệu, thật khó để nói xe nào “bẩn” hơn xe nào.