SAFETY

08-05-2023 14:24
Ô tô điện hỏng pin là thành "sắt vụn" Đó là cách định giá của nhiều công ty bảo hiểm, vì không thể sửa chữa hoặc đánh giá mức độ thiệt hại liên quan tới bộ pin. Nó cũng kéo phí bảo hiểm của ô tô điện thường cao hơn nhiều so với xe xăng.

Hệ thống pin độc quyền và sự mới mẻ của công nghệ đồng nghĩa với việc sửa chữa ngay cả những lỗi nhỏ trong xe điện cũng có thể cực kỳ khó khăn, chưa kể đến chi phí đắt đỏ. Điều đó khiến nhiều công ty bảo hiểm xác định vứt bỏ luôn những chiếc xe điện chỉ bị lỗi nhỏ.

Các công ty bảo hiểm và thợ sửa chữa phàn nàn rằng không có cách đơn giản nào để kiểm tra tình trạng của pin, nên đành phải vứt bỏ luôn cả xe để các công ty đỡ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp xảy ra lỗi trong tương lai.

Kết quả là các công ty bảo hiểm đang chọn cách đơn giản là coi xe hỏng pin như "đồ bỏ". Theo một số nguồn tin, việc này đẩy phí bảo hiểm xe điện tại Mỹ lên cao, có thể đắt hơn tới 27% so với xe sử dụng động cơ đốt trong.

Theo nhà xuất bản nội dung tài chính trực tuyến Bankrate, các công ty bảo hiểm ở Mỹ biết rằng ngày cả với một tai nạn nhỏ làm hỏng bộ pin, chi phí thay bộ phận quan trọng này có thể là hơn 15.000 USD.

Ví dụ, chi phí thay pin cho một chiếc Tesla Model 3 có thể lên tới 20.000 USD, trong khi giá xe chỉ khoảng 43.000 USD, nhưng lại bị chai khá nhanh.

Hiện tại, phía công ty bảo hiểm kêu gọi các nhà sản xuất ô tô tạo thuận tiện cho việc truy cập dữ liệu và sửa chữa cụm pin. Một số đã đáp ứng, như GM, Ford và Nissan đều tuyên bố tìm cách để có thể sửa chữa cụm pin. Đặc biệt, GM cho biết cụm pin Ultium mới nhất của họ được thiết kế để có thể sửa chữa từng phần (dạng mô-đun), giúp giảm chi phí đáng kể so với việc thay thế cả cụm pin. Ngoài ra, GM cho phép bên thứ ba truy cập vào dữ liệu pin.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà sản xuất ô tô đều sẵn sàng làm vậy. Tesla, nhà sản xuất xe điện lớn nhất của Mỹ, đang đầu tư vào một công nghệ pin mới với các cục pin lớn hơn được dán vào thành cụm. Theo chuyên gia ô tô và cố vấn sửa chữa Sandy Munro, loại pin mới hoàn toàn không thể sửa, và cần bị tiêu hủy ngay sau khi hỏng.

Điều đó không chỉ là vấn đề đau đầu của chủ sở hữu và công ty bảo hiểm, mà còn cả với môi trường. Ngoài việc là bộ phận đắt nhất của xe, cụm pin còn tạo ra nhiều khí thải carbon nhất.

Christoph Lauterwasser, giám đốc điều hành của Trung tâm Công nghệ Allianz, nói: "Số xe hỏng pin và bị thải loại sẽ tăng lên, vì vậy việc xử lý pin là vấn đề quan trọng. Nếu bạn vứt luôn xe thì đã bạn làm mất đi khá nhiều lợi thế cắt giảm khí thải CO2 của ô tô điện".

Để thân thiện với môi trường hơn so với xe động cơ đốt trong, xe điện phải được sử dụng đủ lâu để bù đắp lượng khí thải carbon lớn hơn trong quá trình sản xuất. Nhưng với việc ngày càng có nhiều cụm pin bị thải loại ra môi trường, ưu điểm lớn nhất của xe điện không còn.

Connect with us